MỘT
BUỒI TỐI CUỐI TUẦN Ở NHÀ
ĐI
ăn cơm tối về xong là tôi ngồi ngay vào bàn làm
việc. Những chồng hồ-sơ dày cộm không cho
phép tôi để ứ đọng lại qua ngày hôm sau.
Cặp
Dung+Miên từ chòi an-ninh trước cổng gọi điện-thoại
lên tôi. Đó là hai cô bé ở Khu Thanh-Bồ
Đức-Lợi, trong số ngót chục
thiếu-nữ nhận tôi làm chú tinh-thần. Những
lần rảnh rỗi xuống phố giải-trí,
thỉnh-thoảng tôi chở các cô cùng đi, ăn kem
hoặc xem xi-nê. Nhưng hôm nay thì tôi ở nhà, vì bận
nhiều việc; vả lại cặp Dự+Chương
đã hẹn lát nữa sẽ đến gặp tôi.
*
Dung+Miên
vừa rời một lát thì Lê Viết Kim đến.
Kim,
trên danh-nghĩa, là giáo-sư khiêu-vũ của tôi.
Một
dàn máy âm-thanh nổi; các băng nhạc thời-trang;
một cây đàn lục-huyền; cả chồng
nhạc-phẩm ấn-bản đặc-biệt có chữ
ký đề tặng và triện son của Lê
Mộng Bảo, Giám-Đốc Nhà Xuất-Bản Tinh-Hoa
Miền Nam, cùng các nhạc-sĩ liên-hệ;
một máy vi-âm; một bàn bánh, kẹo, thuốc lá, trái cây;
một tủ lạnh với nhiều thức uống; v.v...
đã biến phòng-khách nhà tôi thành một nơi lý-tưởng
để Kim đưa các cô, các bà đến dượt
bước với tôi, vào các ngày nghỉ và buổi
chiều từ sau giờ tan công-sở đến lúc tôi
chuẩn-bị đi ăn cơm. Trên thực-tế, tôi
thường phải ngồi làm việc ở phòng sát bên,
để mặc một số bạn thân của tôi đến
đó tập nhảy với họ; có khi họ dẫn thêm
bạn của họ cùng đến, có người đã
từng đến rồi mà tôi vẫn không nhớ
mặt hay biết tên.
Kim
dẫn lên một người đàn-bà và một cô gái.
Người
đàn-bà thì thân-hình đẫy-đà, phấn son loè-loẹt,
cử-chỉ khúm-núm như kẻ phạm-pháp bị
bắt ra trước cửa quan. Cô gái thì còn trẻ,
quá trẻ, trẻ hơn các cô cháu hờ của tôi, nhưng
thân-hình thì nẩy-nở căng vun; và khuôn mặt trái
xoan với cặp mắt to đen, hai hàng mày rậm, đôi
môi mọng hồng, cặp má lúm duyên, có một sức
thu-hút khó cưỡng lại tia nhìn của những người
xung quanh.
Anh
chàng dạy nhảy nói riêng với tôi về mục-đích
của sự hiện-diện của hai người ấy.
Bà chủ, chủ quán mại-dâm trá-hình, mới kiếm
thêm được một đứa “con nuôi”, là cô gái
kia; vừa bán trinh cổ đêm qua thì chiều nay bả
bị Cảnh-Sát đến kiểm-soát; họ buộc
phải trả cổ về nguyên-quán và cho kỳ-hạn
hăm bốn tiếng đồng-hồ.
Dân
làng-chơi báo tin cho nhau biết có của lạ; từ sáng
đã có khá nhiều tay quen giành hưởng nước
nhì, nhưng bả hạn-chế vì sợ cổ đau,
đồng-thời để tăng giá-trị món hàng.
Bây
giờ thì vốn đầu-tư cùng với hy-vọng phát-tài
của bả đều tan thành mây khói. Kim dẫn bả
đến để xin tôi giúp-đỡ, nhận cổ làm
cộng-tác-viên, để cổ khỏi bị
trục-xuất. Bả xin tạ ơn lần đầu
một trăm năm chục ngàn đồng.
Tôi
rán bình-tĩnh để khỏi giáng một bạt tai vào
cái bản mặt đĩ-trai của Kim. Thì ra lâu nay
ảnh vẫn tưởng tôi cũng chỉ là một con
hạm tham-nhũng như nhiều kẻ khác. Chắc trong
thâm-tâm ảnh đang hãnh-diện chứng-tỏ với tôi
rằng ảnh là tên đàn-em đắc-lực, và
cả với bả rằng ảnh là tay móc-nối đúng
đường.
Số
tiền mà ảnh đề-cập, đựng trong phong bì
dày cộm mà bà chủ chứa vừa lấy trong xách tay
ra, đặt lên trên bàn-nước ở phòng khách,
lớn gần bằng ba tháng lương của tôi.
Nhiều thế, thảo nào!
Kiểm-Tra
Nguyễn Bính, một Giám-Đốc cũ của tôi trên
Cao-Nguyên, thời-gian tôi làm Trưởng-Ty ở Tỉnh,
biết rõ tính tôi liêm-khiết, có lần đã bực mình
la lên: “Người ta cho mình cơ-hội để ăn,
mà mình không chịu ăn!”
Trung-Tá
(sau này là Đại-Tá)
Cao Văn
Khanh, cũng một Giám-Đốc cũ của tôi trong Vùng II, có lần đã tế-nhị giúp cho tôi có
dịp có được nhiều tiền một cách
hợp-pháp hợp-tình. Nguyên-do sau vụ cộng-sản
tổng-công-kích Tết Mậu-Thân, có nhiều phú-thương
Hoa-Kiều ở Thị-Xã Ban Mê Thuột bị bắt vì
nghi tiếp-tế cho đối-phương. Sự
thật là trong lúc hỗn-loạn, có thể là
Việt-Cộng mà cũng có thể là kẻ gian, đã
đột-nhập vào các tiệm buôn bắt chủ-nhân
phải đóng góp tiền, và cướp đi nhiều
nhu-yếu-phẩm từ các kho hàng. Nội-vụ đã
được cả cấp Tỉnh lẫn cấp Vùng
điều-tra; và, trong lúc Đặc-Cảnh Vùng đang
tiến-hành thủ-tục trả tự-do cho các nghi-can thì
gia-đình các đương-nhân tưởng là họ
sẽ bị giam-cầm lâu ngày bèn nhờ ông
Chủ-Tịch Hội Việt-Hoa
địa-phương thay mặt mà đi vận-động
giùm; bề ngoài là xin đứng ra bảo-lãnh, nhưng bên
trong là chạy-chọt với một số tiền
kếch xù. Người Hoa mà đã đưa
hối-lộ thì thà chịu chết chứ không bao
giờ khai ra. Khanh bảo họ rằng mọi sự đều
nằm trong tay tôi – chỉ-huy Cảnh-Sát Đặc-Biệt
toàn Vùng – hãy đến gặp tôi mà xin. Nhưng tôi
nhất-quyết chối-từ mọi món quà, dưới
bất-cứ hình-thức nào, dù đó là một
cử-chỉ tự-nguyện thông-thường để
tỏ lòng cám ơn.
Trước
khi ra Vùng I, tôi dùng xe Jeep chở gia-đình từ Nha-Trang vào
Sài-Gòn và Vũng-Tàu chơi. Đến cầu Biên-Hòa, tôi
tình-cờ gặp lại một thuộc-viên cũ, là Nguyễn Xuân Lộc (trùng tên với đại-tá
chỉ-huy-trưởng của tôi ở Vùng I). Ngày xưa, tôi đã giúp-đỡ cho
Lộc được rời khỏi cái xó rừng đèo-heo hút-gió
kia, để được cùng với gia-đình về
sinh sống giữa Hòn Ngọc Viễn-Đông này.
Bây
giờ ảnh là Trưởng Trạm Kiểm-Soát ở cái
cổng ra vào quan-trọng ấy của Thủ-Đô.
Tối ấy, Lộc mời chúng tôi đi ăn, xong nói
riêng với tôi:
–
Khi nào ông cần chở gì, bất kể bao nhiêu
chuyến, bất kể với số lượng nào, ông
cho em biết trước, ngày giờ, loại xe, số xe,
người lái, em sẽ đích-thân lo trót-lọt cho
chuyến hàng của ông.
Tôi
cám ơn ảnh. Cả đời tôi có bao giờ dính-dáng
đến đồ lậu đâu!
Cũng
từng là Giám-Đốc Ngành Đặc-Cảnh Vùng II,
nhưng nhờ tôi tự giữ mình trong-sạch nên
mới không bị thân-bại danh-liệt như Trung-Tá
quân-nhân biệt-phái Hoàng Viết Thìn.
Còn
như Trung-Tá Tôn Thất Khôi, vì đòi Đại-Úy
Trần Văn Phú phải dâng một dàn âm-thanh nổi Akai,
cũng trị giá khoảng một trăm năm chục nghìn đồng,
mới cho giữ chức-vụ chỉ-huy Thám-Sát Đặc-Biệt Vùng I, thì bị
lộ chuyện nên trơ mặt-mẹt với mọi người.
Tôi
trừng mắt bảo:
–
Tôi không giúp đâu. Các người về đi!
Thấy
Kim vẫn còn ngần-ngừ; tôi nạt: “Đi!”
rồi quay trở lại với xấp công-văn.
Im-lặng
một lát rồi ảnh với người đàn-bà
rụt-rè cất tiếng chào từ-giã tôi.
Sau
khi nghe tiếng chân họ đã bước ra phía cầu
thang, tôi quay nhìn lại thì thấy cô gái vẫn còn
bẽn-lẽn ngồi yên. Tôi đứng dậy thì
cổ cũng đứng dậy; nhưng cổ không đi
theo họ mà lại cúi đầu, đan hai tay vào nhau,
chờ-đợi tôi. Tôi liếc thấy cái phong bì
vẫn còn nằm nguyên trên bàn.
Tôi nổi giận, gọi lớn: “Kim!” Ảnh quay
trở vào, nhìn tôi, rồi rón-rén tuân theo lệnh mắt
của tôi, cầm lấy số tiền, dẫn cô gái
xuống lầu.
*
Thiếu-Tá Ngô Phi Đạm,
Chánh Sở Tác-Vụ, gọi máy vô-tuyến báo-cáo
với tôi là anh đã thi-hành xong Bước 1.
Thế là Đạm cùng
với Đại-Úy Nguyễn Công Văn và Đại-Úy
Phạm Khả đã vào hoạt-động trong Thị-Xã
Hội-An rồi. Theo kế-hoạch thì Đạm sẽ cùng
với Thiếu-Tá Lâm Minh Sơn, Chánh Sở Đặc-Cảnh
Tỉnh Quảng-Nam, nhân danh Ủy-Viên Ủy-Ban
Phụng-Hoàng, hỏi Bộ Chỉ-Huy Tiểu-Khu xem đêm
nay có đơn-vị nào hành-quân trong vùng Quận Điện-Bàn,
trên đường vào Xã Điện-Ngọc hay không, vì
Ngành Đặc-Cảnh Vùng I định phái mật-viên vào
hoạt-động trong Quận sở-quan.
Nguyên do Sở Tác-Vụ
Vùng I đã tuyển-dụng được một điệp-viên
là cán-bộ của Tỉnh-Ủy Việt-Cộng Tỉnh
Quảng–Đà. Cán-bộ ấy thì ẩn-trú trong
mật-khu, ban đêm mới về vùng Quốc-Gia hoạt-động,
và mỗi tháng đôi lần lén đến tiếp-xúc
với nữ-cơ-sở là tình-nhân của y mà là
mật-viên của ta. Khuya nay, điệp-viên ấy sẽ
đến với thám-viên này, nên Phòng Biệt-Tác cho người
vào yểm-trợ và giám-sát tình-hình.
Nhưng, cứ theo tin-tức
trao-đổi giữa các cơ-quan với nhau thì gần
đây cả Sở Đặc-Cảnh Tỉnh lẫn Phòng
2 Tiểu-Khu sở-tại đều đã biết
chắc là có cán-bộ địch về làng, và Đặc-Cảnh
trong đó đã nắm vững một số cơ-sở
nằm vùng. Dĩ-nhiên họ không biết được
cán-bộ và cơ-sở nào của Việt-Cộng đã
là người của Sở Tác-Vụ Vùng; song đã
được tin thì hẳn là họ phải hành-động.
Công-tác mà tôi giao-phó cho Đạm là làm thế nào để
tránh cả Sở Đặc-Cảnh Tỉnh lẫn Phòng 2
Tiểu-Khu Quảng-Nam, để bảo-vệ cho hai nhân-viên
nhị-trùng và bảo-mật cho điệp-vụ của
Ngành Đặc-Cảnh Vùng. Đạm thì quanh-quẩn
ở đó để phòng nếu Đặc-Cảnh địa-phương
ra tay; còn Văn với Khả thì sẽ thi-hành Bước
2, nếu phía quân-sự đã có quyết-định vào
thám-thính hoặc phục-kích trong làng. Một mặt thì
Khả sẽ cho Trưởng Lưới vào báo-động,
hoặc nếu cần thì mặt khác Văn sẽ lái xe vào
Quận, lên đỉnh đồi cao, quay mũi xe quét ánh
đèn pha về hướng nhà Nguyễn Thị Tư,
đường dây của ta, để ra ám-hiệu đình-hoãn
cuộc tiếp-xúc sắp diễn ra sau mười hai
giờ khuya nay. Trong trường-hợp mọi sự trôi-tròn
thì chúng tôi đã có thám-viên thứ hai, thuộc Phòng
Đặc-Nhiệm, nằm ngoài Phòng Biệt-Tác, theo-dõi tình-hình
để sẽ đối-chiếu với báo-cáo của
Tư khi cô chuyển-trình về Khả tài-liệu của
điệp-viên nội-tuyến vào sáng ngày mai.
*
Một lát sau thì Thiếu-Tá Nguyễn Dự, Chánh Sở, cùng với Trung-Úy Dương Hồ Chương, Chủ-Sự Phòng Tác-Vụ thuộc Sở Đặc-Cảnh Thị-Xã Đà-Nẵng, đến họp với tôi.
Có một cô gái lên theo.
Để cô gái
ngồi ở phòng khách, cặp Dự+Chương theo tôi
vào bàn làm việc của tôi. Dự cho biết là họ
đã duyệt lại lần cuối mọi chi-tiết liên-quan
đến kế-hoạch công-tác mà tôi đã chuẩn-y.
Nguyên chiều hôm nay
một cán-bộ đặc-công Việt-Cộng nội-thành,
mà Đặc-Cảnh đã tuyển-dụng làm điệp-viên,
báo-cáo rằng anh được lệnh của địch
phải đặt chất nổ, hoặc treo cờ và
rải truyền-đơn của Mặt Trận Dân
Tộc Giải Phóng ở Vườn Hoa Trưng-Vương,
trong đêm nay. Ở công-viên ấy, vào buổi tối mùa
hè đồng-bào tụ-tập rất đông, nhất là
trẻ con náo-nhiệt chơi đùa. Nếu
thực-hiện trước mười hai giờ khuya thì
thế nào cũng bị xung quanh trông thấy; còn sau
nửa đêm thì tuy cả khu vắng-vẻ nhưng
nếu có ai xuất-hiện thì lại không thể nào thoát
khỏi tầm mắt chú ý quan-sát của những người
cố-tình hoặc vô-tình có mặt khuất kín trong màn
đêm: Cảnh-Sát, Nhân-Dân Tự-Vệ, hành-khất, dân
vô-gia-cư, v.v... Do đó, tôi đã cho phép tổ-chức
kiểm-tra nhân-số gia-đình và tình-trạng cư-trú,
chận xét bộ-hành, lục-soát các hóc-hẻm, đuổi
hết kẻ nằm đường, tạo cơ-hội
cho mọi người ở gần đó thức khuya―nên
ngủ say―và
các bộ-phận an-ninh bạn yên-tâm hướng các
hoạt-động của họ về những khu-vực
xa hơn.
Điểm then-chốt
là chính Đặc-Cảnh sẽ làm giùm cho viên đặc-công
Việt-Cộng, để anh đạt được thêm
tín-nhiệm của cấp trên: treo một lá cờ
giữa công-viên, và rải một số truyền-đơn
trên vài lối đi, vào khoảng từ ba đến
bốn giờ sáng. Sau đó, điệp-viên ấy sẽ
ghé tìm và khoe thành-tích công-tác vừa rồi với
một cơ-sở VC khác, bán bánh mì dạo lúc sáng tinh sương.
Những người này thường ra đường
sớm, trước lúc hết giờ giới-nghiêm,
với lý-do là phải đến chực sẵn ở lò
sản-xuất để giành cho được những
đợt bánh đầu tiên. Anh sẽ rủ gã cùng
đi ngang qua vườn hoa Trưng-Vương,
để gã trông thấy tận mắt, với mục-đích
là để gã sẽ báo-cáo lên cấp trên, qua đường
dây khác, việc anh đã làm.
Anh
sẽ bịa thêm là anh đã có gài một quả
lựu-đạn để hại những kẻ sẽ
đến hạ cờ. Khoảng bốn giờ rưỡi
sáng, Đặc-Cảnh sẽ hạ lá cờ, nhặt
hết số truyền-đơn, và đợi đến
sau năm giờ sáng, khi dân-chúng đã đi lại ngoài
đường, một số nhân-viên Đặc-Cảnh
mặc cảnh-phục sẽ giả-vờ tình-cờ vào
uống cà-phê điểm-tâm tại một tiệm
phở ở gần đó, mà tại đó có một người
hầu-bàn là cơ-sở của đối-phương.
Các
cảnh-nhân sẽ kháo chuyện với nhau về cái xem-như-là
hoạt-động của Việt Cộng kể trên.
Họ sẽ bịa thêm rằng các cảnh-nhân có
kinh-nghiệm đã gỡ được một quả
lựu-đạn do địch gài ở chỗ treo cờ.
Nhũng lời trao-đổi ấy phải được
vô-tình lọt vào tai gã hầu-bàn...
Tôi nhắc:
– Tuy lần này dễ
hơn, vì chúng ta không cho nổ lựu-đạn hay mìn như
mấy lần trước, nhưng vẫn phải
bảo-mật đến cùng.
Thảo-luận ngang
đó thì Dự+Chương hấp-tấp cáo-từ,
viện cớ phải về để lo cho việc nói trên.
Tôi theo hai anh ra phía
cầu thang, nhưng không thấy cô gái ra theo. Tôi hỏi
Dự:
– Cô nào thế?
Cả Dự lẫn Chương
đều trố mắt nhìn tôi. Dự nói:
– Tôi tưởng là
“khách” của
anh!
Tôi trở vào hỏi cô
gái:
– Cô đến gặp
tôi có việc gì?
Cổ đáp:
– Em đến...
ngủ lại với ông!
Thật là
bất-ngờ. Tôi đứng lui ra, nhìn kỹ, cố
nhớ xem mình đã có gặp cổ lần nào trước
chưa. Dự và Chương cùng trở vào xem. Cô gái
khoảng mười bảy tuổi, tươi-mát và
hiền-lành như những nữ-sinh trường
trung-học Phan Chu Trinh hằng ngày vẫn tíu-tít đi
ngang qua trước cổng nhà tôi. Tôi hỏi:
– Cô đã biết tôi
là người như thế nào chưa?
Cô gái thẹn-thùng
ấp-úng:
– Em để ý
thấy có nhiều cô đến với ông, nên em cũng
đến liều!
Dự và Chương ra
hiệu cho tôi cứ để cho cổ ở lại; nhưng
tôi không dám. Đây là một loại gái nguy-hiểm;
nếu cổ bỏ nhà đi hoang, tôi sẽ bị
phụ-huynh cổ tố-cáo là dụ-dỗ gái vị-thành-niên;
nếu cổ chán đời, nửa đêm uống
thuốc chuột, tôi sẽ bị lôi-thôi với pháp-luật,
vì chứa chấp cổ trong nhà; còn nếu cổ là...
đặc-công Việt-Cộng, thì sao?
Tôi giao cho Chương
dẫn đi điều-tra phòng hờ.
Tiếp theo, tôi
xuống xem lại vấn-đề vào/ra ở cổng.
Hai cánh cổng sắt
cao to luôn luôn đóng kín, nhân-viên an-ninh nhận-diện
hoặc hỏi chuyện trước, rồi mới mở
ra mỗi khi cho người nào vào.
Hồi nãy, xe Dự
đậu sát cổng, Chương bước xuống
đất, đợi cổng mở xong thì Chương bước
bộ cùng xe vào sân. Cô gái nhanh chân bước vào đi
theo sau Chương. Mui xe Jeep cao, nhân-viên gác cổng đứng
phía bên Dự nhìn qua không thấy, sau đó thì tưởng
là cổ trên xe cùng xuống, cùng đi với Dự và Chương.
Tôi vẫn thường
nói đùa với anh em rằng tôi đợi mãi mà chưa
gặp đuợc một cán-bộ nữ-địch-vận
nào. Thiếu-nữ kia không phải là nữ địch-vận;
nhưng cũng là may, tuy cổ đột-nhập mà
cổ không phải là cảm-tử-quân.
*
Tôi vừa lên ngồi vào
bàn làm việc lại một lát thì nghe một tiếng
nổ chát-chúa ở dưới đường. Theo
phản-ứng tự-nhiên, tôi ngồi thụp xuống
đất, với tay bấm tắt ngọn đèn trong phòng,
bấm mở hệ-thống ánh-sáng an-toàn ngoài đường,
và chụp lấy khẩu súng M-18 dựng sẵn bên giường.
Tôi đã thiết-trí
sẵn một đường dây điện đặc-biệt,
lấy điện từ máy phát riêng tại tư-thất
của một người bạn Mỹ, bắc một
số bóng đèn trên các thân cây khắp bốn ngã
đường xung quanh nhà tôi, với thân cây che cho chúng
tôi khỏi chói mắt, còn ánh đèn thì rọi chiếu
ra các mặt đường, lề đường và rào
vườn của các nhà từ gần đến xa. Những khi điện Nhà Đèn tắt, tôi vẫn có ánh
sáng cho nhân-viên phòng-vệ quan-sát bên ngoài, và để tôi
dùng bên trong.
Năm ngoái, đã có
một vụ nổ xảy ra lúc đã khuya, ngay bên kia
đường, làm rung chuyển và vỡ nát tấm kính
cửa sổ ở bàn viết của tôi. Lần ấy có
vợ tôi từ Nha-Trang ra thăm; tôi dìu bà trong bóng
tối, tránh mảnh kính vụn, lui vào phòng trong. Bà nói:
– Đây không phải
là chiến-trường, nhưng quả là “vùng
chiến-tuyến”.
Tuy nhiên, sáng sau điều-tra
thì được biết đó chỉ là hành-động
trả thù cá-nhân trong một cuộc tranh-chấp
quyền-lợi ở nhà hàng “Le Dragon
d’Or” (Con Rồng Vàng) của một Pháp-kiều
mà thôi.
Tôi nhìn xuống thì
thấy một người cỡi xe máy Honda đang
loạng-choạng đâm xe vào lề đường
Quang-Trung; các xe khác và các bộ-hành thì đang chạy tránh
ra xa. Trên đường Lê-Lợi có một chiếc xe
Jeep sơn màu đỏ đang chạy ngoằn-ngoèo sát
sau một chiếc xe đạp do một em bé chở
một em bé khác đang luýnh-quýnh đạp, khuất
dần khỏi tầm mắt tôi. Bỗng tôi nghe có
tiếng kêu cứu ở phía góc đường bên kia.
Một cái mũ nhựa trắng của Cảnh-Sát Lưu-Thông,
rồi cả hai nhân-viên Kiểm-Lưu hiện rõ ra, đang
nằm bên mương và vẫy vẫy tay. Nhân-viên an-ninh
của tôi đang dùng máy vô-tuyến báo cho Bộ
Chỉ-Huy Cảnh-Lực Thị-Xã Đà-Nẵng và Phòng
Tình-Hình của tôi biết.
Tôi khoác áo ấm, mang súng
chạy xuống sân.
Chúng tôi ra đường,
làm chủ tình-hình.
Trong lúc tôi dùng máy vô-tuyến
điều-khiển hoạt-động của các
bộ-phận Đặc-Cảnh toàn thị-xã, viên tài-xế
và viên cận-vệ của tôi cùng với láng-giềng
kiếm xe chở hai nạn-nhân đến bệnh-viện
cấp-cứu.
Không biết hai
cảnh-nhân này có phải cũng chính là hai nạn-nhân
của một vụ hành-hung trước đấy hay không.
Lần ấy, tôi đang ngồi làm việc trên
lầu thì nghe tiếng còi báo giờ giới-nghiêm bắt
đầu hụ; tức thì, hai nhân-viên Kiểm-Soát Lưu-Thông
ở dưới đường cũng thổi tu-huýt và
đứng ra giữa ngã tư. Một lát sau đó, có
một chiếc xe hơi chạy tới với
tốc-lực khá nhanh. Bị chận, xe thắng rít lên và
dừng lại. Tôi nhìn xuống thì thấy một người
lính từ phía tay lái bước ra, cùng với một quân-nhân
khác trên chiếc xe Jeep ấy nhảy xuống, kẻ thì
nắm tay đấm vào mặt cảnh-viên này, kẻ thì trở báng
súng đánh vào lưng cảnh-viên kia, với tiếng chửi
thề: “Đ.m., xe của đại-tá Dù đây!”
Hai viên Kiểm-Lưu tiu-nghỉu cúi
nhặt mũ lên, đội lại lên đầu,
lặng-lẽ bước lui, ngượng-nghịu nhìn
quanh...
Tôi ra lệnh lùng tìm
chiếc xe Jeep sơn màu đỏ, và đến khắp các
bệnh-viện, trạm cứu-thương cũng như
phòng chữa bệnh tư, để kiếm chứng-nhân
trong số các người có thể bị thương lúc
đi ngang qua phạm-trường.
Tại Thị-Xã Đà-Nẵng và vùng lân-cận có cả chục chỉếc xe Jeep sơn màu đỏ.
Cuối cùng, Trung-Úy Chương tìm ra
được chiếc xe Jeep mà tôi nhìn thấy; chủ-nhân
là một Mỹ-kiều. Ông đã trông thấy hai
thiếu-nam cỡi xe-đạp ném chất nổ vào các
cảnh-nhân; và, do phản-ứng tự-nhiên, ông đã lái
xe rượt theo, định tông cho xe-đạp ngã,
hoặc đợi gặp Cảnh-Sát thì chỉ cho họ
bắt chúng; nhưng ông lại sợ rằng mình là người
Mỹ mà dính-dáng đến việc chống Cộng thì e
vi-phạm Hiệp-Định Paris chăng, nên ông lại
thôi.
Được chúng tôi
thuyết-phục rằng đây là việc làm chống
khủng-bố, bạo-lực và tội-phạm, ông
tiết-lộ thêm rằng chính tên ngồi sau đã ném
lựu-đạn, nó hoặc cả hai cùng bị trúng
mảnh, và ông đã tò-mò liếc thấy chúng vào
hẻm nào.
Đặc-Cảnh đã
lần theo vết mà đến bắt giữ hai đứa
bé ấy tại nhà một y-tá tư, nơi chúng đến
nhờ băng-bó các vết thương. Các
thủ-phạm là trẻ con non-nớt, chỉ trong nửa
giờ là bị tóm gọn; nhưng tôi chỉ-thị cho
Phòng Thẩm-Vấn phải làm việc ngay trong đêm,
để biết rõ đồng-bọn và âm-mưu.
*
Trong lúc đó, một
bộ-phận Đặc-Cảnh khác đến tìm
kiếm tại Bệnh-Viện Đức thì tình-cờ
thoáng thấy một y-công đang mang một khẩu súng
AK của Việt-Cộng vào cất giấu trong khu
nội-trú của các y-sư.
Đây là một
bệnh-viện lớn, của Cộng-Hòa Liên-Bang Đức
viện-trợ, mà Giám-Đốc và một số y-sư,
y-tá là Đức-kiều. Tôi thấy cần phải
thận-trọng nên chỉ-thị cho anh em để yên.
Tôi gọi máy, nhờ Đại-Úy Trần Văn Phú* đến điều-tra giùm. Phú là Phó Chỉ-Huy Lực-Lượng Thám-Sát thuộc Ngành Đặc-Cảnh Vùng I; anh quen biết viên Giám-Đốc ấy, và là tay bay-bướm có liên-hệ với vài nữ-y-tá Tây-Đức. Thế là thay vì lục-soát, tịch-thu, bắt-bớ, chấp-cung, chỉ trong mươi phút sự thật đã được chúng tôi tìm ra.
Nguyên viên y-sư Giám-Đốc
bệnh-viện ấy nghĩ rằng phục-vụ ở
Việt-Nam trong thời chiến thì cũng giống như
tham-gia cuộc chiến, mai-mốt hồi-hương thì
phải mang về một cái gì làm kỷ-vật để
lưu-niệm ở nhà. Và ông đã kiếm được
khẩu súng kể trên; hôm ấy ông nhờ người
y-công Việt-Nam lau chùi.
Hồi trước
ở Cao-Nguyên tôi cũng đã gặp một trường-hợp
tương-tự. Đặc-Cảnh Quận Đức-Lập,
Tỉnh Quảng-Đức
(thời-gian tôi làm Trưởng Ty) theo-dõi nhiều đêm
mới bắt được quả-tang một người
thợ-may nửa đêm dậy may một lá cờ Mặt
Trận Giải Phóng Miền Nam.
Điều-tra đối-chứng
mới biết là do một sĩ-quan cố-vấn quân-sự
Mỹ ở Chi-Khu sở-tại thuê may, để xem như
chiến-lợi-phẩm bắt được tại
trận, và dặn người thợ-may ấy giữ bí-mật
kẻo sợ bạn-bè cười. Theo dự-trù, người
ấy may xong sẽ đem lá cờ ấy đi nhúng nước,
bôi bùn, cào xước nhiều chỗ, và vấy lên đó
vài giọt máu... gà.
*
Lúc tôi vào sân, nhân-viên
phòng-vệ cho biết là Sĩ-Quan Trực Phòng Tình-Hình có
gọi điện-thoại để xin báo-cáo
diễn-biến mới nhất trong Vùng.
Tôi trở lên lầu,
cầm ống nghe.
Sinh-viên ở Huế
đã kết-thúc buổi hội-thảo, nhưng nhóm
“tranh-đấu” vẫn ở lại hội-đường
Viện Đại-Học để hoạch-định chương-trình
hành-động cho ngày hôm sau.
Lực-Lượng Hòa-Hợp
Hòa-Giải Dân-Tộc Tỉnh Quảng-Ngãi đã chấm
dứt cuộc mít-tinh tối nay tại sân chùa Tỉnh Giáo-Hội
dưới quyền chủ-trì của Giáo-Sư Thượng-Nghị-Sĩ
Vũ Văn
Mẫu cùng Phái-Đoàn trung-ương từ Sài-Gòn ra.
Đội Thám-Sát Đặc-Biệt
Tỉnh Quảng-Tín vừa mới phục-kích hạ-sát
được tại trận bảy tên Việt Cộng.
Theo tin-tức tình-báo thì sẽ có một số cán-bộ
cấp Tỉnh-Ủy về công-tác ở vùng ven Thị-Xã
Tam-Kỳ đêm nay. Chiều nay tôi đã nhắc
Thiếu-Tá Đặng Văn Song, Chánh Sở Đặc-Cảnh
Tỉnh trong đó, trực-tiếp sử-dụng Thám-Sát
Đặc-Biệt, là một lực-lượng đa-hiệu-năng,
như tôi đã đích-thân thực-hiện làm gương
cho các nơi noi theo...
*
Tôi gác máy, thở
một hơi dài khoan-khoái, rồi vào buồng tắm.
Ngày cũng như đêm,
trong tuần cũng như cuối tuần, đâu phải
lúc nào cũng chỉ có một vụ, như trong các
truyện hay phim trinh-thám gián-điệp của các nước
ngoài!
Hy-vọng ngủ
được một lát, đến năm giờ sáng, mà
không còn bị công việc khẩn-cấp quấy rầy.