LỰC-LƯỢNG HÒA-HỢP HÒA-GIẢI DÂN-TỘC

    

  

Một trong các nhiệm-vụ chính-yếu của tôi, với tư-cách một Trưởng E (được Sắc-Lệnh của Thủ-Tướng Chính-Phủ xếp ngang hàng Giám-Đốc một Nha--nhiều-Sở) tại Vùng I, theo chỉ-thị của Tư-Lệnh Cảnh-Sát Quốc-Gia Trưởng Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương khi đưa tôi ra Vùng này, ổn-định tình-hình nội-chính cho Miền Trung. 

 

Nội-chính [chính-trị & nội-an] bao gồm: 

 

Bên trong chính-quyền các cơ-quan hành-pháp (dân-sự) kể cả bắt đầu từ Cảnh-Sát Quốc-Gia. 

Giới lập-pháp và giới tư-pháp cũng là chính-quyền (theo nguyên-tắc “tam quyền phân-lập”) về phía dân-sự.

Một chính-sách mới Cảnh-Sát Đặc-Biệt cũng nhòm ngó đến các quân-nhân mọi cấp tùng-sự biệt-phái đến các cơ-quan hành-chánh bán-quân-sự vốn lâu nay nằm ngoài tầm kiểm-soát của cơ-quan An-Ninh Quân-Đội.

Việc đầu tiên vừa mới rồi tôi (ở Ngành Đặc-Biệt Vùng II) đã đến trụ-sở cơ-quanXây Dựng Nông-Thôn” cấp Vùng tại Thị-Xã Nha-Trang, dù là vào lúc đêm khuya, tịch-thu một bức thư luân-lưu của Đại-Tá Nguyễn (Chỉ-Huy-Trưởng Trung-Tâm Huấn-Luyện Cán-Bộ Xây-Dựng Nông-Thôn Trung-Ương tại Vũng Tàu), phổ-biến khắp nước, trong đó một số từ-ngữ và ẩn-ý khác thường đối với Chính-Quyền. 

 

Bên ngoài chính-quyền là công-chúng (đồng-bào và ngoại-kiều).

Nổi bật nhất hồi đó là các chính-đảng [ngoài ra còn có các Liên Minh, Lực Lượng, Mặt Trận, Phong Trào, v.v…]; các Giáo Hội; các Luật-Sư-Đoàn, Y-Sĩ-Đoàn; các Hội và Tổng-Hội Sinh-Viên, Giáo-Chức, Phụ-Huynh Học-Sinh, Thanh-Niên, Phụ-Nữ; các Nghiệp-Đoàn; các Hội Ái-Hữu mỗi giới; v.v…

 

Vùng I, cũng như ở Thủ-Đô Sài-Gòn các Vùng khác, vào thời-gian 1973-75, có 2 tổ-chức chính-trị được đông-đảo thành-viên tham-gia hoạt-động, là “Phong Trào Chống Tham-Nhũng và Kiến-Tạo Hòa-Bình” bên phía Giáo-Dân Kitô-Giáo La-Mã (Công Giáo) và “Lực-Lượng Hòa-Hợp & Hòa-Giải Dân-Tộc” bên phía Phật-Giáo-Đồ… .

 

*

 

HÔM đó, tôi đến phi-trường Ðà-Nẵng để xem phái-đoàn Hòa-Hợp Hòa-Giải Dân-Tộc từ Sài-Gòn ra, đồng-thời quan-sát hoạt-động của toán CSQG mới được nâng lên thành Cuộc tại phi-trường này, sau khi xảy ra hai vụ không-tặc nổ phi-cơ “Air Vietnam” – vụ trước kết-thúc ở Phú-Bài ngoài Huế, và vụ sau chấm dứt ở Phan-Rang nhưng xuất-phát từ Đà-Nẵng này.

 

Thiếu-Tá Tôn Thất Lộc – hồi còn ở Huế, là một giáo-sư tại Trường “Quốc-Gia Âm-Nhạc” nay làm Trưởng-Cuộc ở đây, với tôi là chỗ bạn thân từ xưa.

Anh đùa hỏi tôi:  tại sao gọi là Trưởng-Cuộc, mà không là Cuộc-Trưởng – chữ “Trưởng” đứng sau, như trong “Tiểu-Khu-Trưởng”, “Chi-Khu-Trưởng”, “Xã-Trưởng”, v.v...

Tôi có biết một lý do, nhưng tránh trả lời.

 

Chỉ vì “Trung-Ương” đã khoái nên chọn chữ “Cuộc” thay vì “Trạm”, “Bót”, “Ðồn”, “Phân-Chi”, để gọi cấp Xã của Ngành/Nghề mình.  Nhưng “Cuộc” chỉ là biến-âm của “Cục”, nếu gọi “Cuộc-Trưởng” thì nó đồng-nghĩa với “Cục-Trưởng”; mà “Cục-Trưởng” thì là chức danh của các đại-tá, có thể là tướng, đứng đầu các Cục tại Bộ Tổng-Tham-Mưu.  Gọi cấp thấp nhất của mình là Cuộc-Trưởng có thể bị hiểu ngầm là xem các Cục-Trưởng khá cao bên quân-ngũ ngang hàng với các Cục/Cuộc-Trưởng dưới chót của mình.  Vì thế nên phải đảo thành “Trưởng-Cuộc” Cảnh-Sát Quốc-Gia.

 

LÁT sau thì các loại xe chở hành-khách và người đi đón/đi đưa tấp-nập vào.

 

Ðại-Tá Ðàm Trung Mộc, luật-gia, một cấp chỉ-huy và giảng-sư kỳ-cựu của CSQG, hôm nay lên đường rời Vùng I sau mấy ngày thanh-tra ngoài này.  Tôi đến nói chuyện với ông.

Một lát thì có Đại-Tá Lê Ðạt Công, Trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn III & Quân-Khu III – ra đây xử-lý thường-vụ trong lúc Đại-Tá Phạm Văn Phô, Trưởng Phòng 2 Quân-Ðoàn I & Quân-Khu I đi công-tác tại Hoa-Kỳ – cũng đến phi-trường để vào Biên-Hòa.  Tôi giới-thiệu hai người với nhau.  Đại-Tá Công tưởng Đại-Tá Mộc cũng ở trong ngành Ðặc-Cảnh như tôi, nên vỗ vai tôi mà nói với Đại-Tá Mộc:

– “Cứ như tay này chúng tôi mới thật nể-vì.  Tình-báo phải thế; tự-tin, tự-lực, chứ không che dù như mấy người khác!”

 

Một số đại-tá khác cũng đến.  Tôi giới-thiệu Đại-Tá Dương Công Liêm với các Đại-Tá Mộc, Công, và Lê Bá Khiếu.  Đại-Tá Khiếu là Tỉnh-Trưởng Tỉnh Quảng-Ngãi.  Đại-Tá Liêm là Liên Ðoàn-Trưởng Công-Binh Quân Ðoàn II đóng ở Quy-Nhơn; anh cũng làm thơ như tôi từ thuở đôi mươi.  Ðại-Tá Ðỗ Tung là Trưởng Phái Ðoàn VNCH trong Ban Liên-Hợp Quân-Sự 2-Bên tại Khu-Vực II ở đây.

 

PHI-CƠ đáp xuống.

Ban lãnh-đạo trung-ương của “Lực-Lượng Hòa-Hợp Hòa-Giải Dân-Tộc” – hậu-thuẫn cho Đại-Tướng Dương Văn Minh – tiến vào.

Giáo-Sư Thượng-Nghị-Sĩ Vũ Văn Mẫu, Chủ-Tịch, cùng với Giáo-Sư Võ Ðình Cường, Dân-Biểu Phan Xuân Huy, v.v...

Các đại-diện của LLHHHGDT Đà-Nẵng ra đón.  Có một số đồng-bào cũng đến chào họ.

Tôi thấy Bác-Sĩ Phạm Văn Lương, chủ-nhân bảo-sanh-viện ngay trước nhà tôi, trên đường Lê Lợi, nói gì với Giáo-Sư Võ Đình Cường mà mắt nhìn về phía tôi.

 

Trước hôm tôi ra Vùng I này, trong một bữa tiệc do một số bác-sĩ (trong đó có Bác-Sĩ Phạm Văn Lương mà sau này ra Đà-Nẵng rồi, gặp mặt lại, tôi mới biết), khoản-đãi Đại-Tá Lê Trọng Ðàm, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng II, Đại-Tá Đàm đã giới-thiệu tôi là tân-“Giám Ðốc Công-An Miền Trung”.

 

Ám-danh Trưởng E là chức-vụ bạch-văn của Giám-Đốc-một-Nha-có-nhiều-Sở của tôi đã được quy-định bằng một Sắc-Lệnh của chính-phủ.  Tuy trên giấy-tờ thì các ám-danh Trưởng Trưởng D, Trưởng E, Trưởng F (Chánh Sở), Trưởng G… được dùng để bảo-mật tổ-chức và hoạt-động của Ngành, nhưng đôi khi cấp+chức bạch-văn vẫn được sử-dụng cho dễ hiểu, dễ phân-biệt thứ+bậc giữa người này với người kia..   

 

Cảnh-Sát và Công-An đã được hợp lại thành Cảnh-Sát Quốc-Gia.

Cảnh-Sát Ðặc-Biệt là danh-xưng mới của ngành Công-An (sau cùng gọi tắt là Ngành Đặc-Biệt).

Mà trước kia thì ở cấp Miền [thí-dụ Miền Trung] do một giám-đốc cầm đầu, được gọi là Giám-Đốc Nha Cảnh-Sát & Công-An Miền Trung.  Nhưng ở cấp Miền không có Cảnh-Sát, nên chức-vụ ấy được gọi tắt là “Giám-Đốc Công-An Miền Trung”.  Và có một thời “Giám-Đốc Công-An Miền Trung” đã làm mưa làm gió, gây một ấn-tượng khôn quên cho đồng-bào Miền Trung, tức Vùng I bây giờ.

 

Và hẳn công-chúng đều thấy các Chỉ-Huy-Trưởng CSQG Vùng I (và các Vùng khác) đều mang cấp-bậc đại-tá.  Nên khi nghĩ đến Chỉ-Huy-Trưởng CSQG Vùng I, tức là “Giám-Đốc Công-An Miền Trung”, thì người ta liên-tưởng đến cấp-bậc đại-tá của ông ta…

 

Khi đến chỗ tôi, giáo-sư Võ Ðình Cường, sau mười mấy năm xa nhau, vẫn nhận ra tôi.  Anh ngạc-nhiên hỏi tôi:

– Bây giờ Thanh-Thanh làm gì, ở đây?

– Tôi hiện nay là “Giám Ðốc Công-An Miền Trung”!

Cái tước-hiệu ấy đã có một thời tác-động mạnh lên tâm-trí người dân Miền Trung.  Tôi cố ý nhắc đến mấy tiếng ấy với Giáo-Sư Cường, là người hồi xưa đã hơn một lần bị thẩm-vấn tại cơ-quan nói trên.

Giáo-Sư Võ Ðình Cường quay lại giới-thiệu tôi với Giáo-Sư Mẫu:

– Ðây là thi-sĩ Thanh-Thanh, một người anh-em từ xưa.

Thượng-Nghị-Sĩ Vũ Văn Mẫu chào, bắt tay tôi, và nói:

– Rất hân-hạnh được biết đại-tá.

Các người kia cũng chào và bắt tay tôi.

Tôi cười nhấn mạnh với Dân-Biểu Phan Xuân Huy:

– Ông dân-biểu ở ngoài này thì tôi đã có biết rồi. Trong vùng trách-nhiệm của tôi mà!

 

Nguyên Ô. Huy là thành-viên giảng-huấn của Viện Ðại-Học Huế; nhưng ông bí-mật hoạt động cho Việt-Cộng, Ðặc-Cảnh chúng tôi đã có đầy-đủ hồ-sơ.

Cũng như Dân-Biểu Nguyễn Công Hoan của Tỉnh Phú-Yên, mà tôi biết được hồi tôi nắm Ngành Ðặc-Cảnh Vùng II.

Và nhiều người khác, vân vân.

Họ là nhân-vật dân-cử, được quyền bất-khả xâm-phạm, nên gây khó-khăn cho Ngành An-Ninh.

Cường thân-Cộng, Huy thờ-Cộng, đều là quân-sư của Mẫu, khích động đại-khối quần-chúng ở ngay trong vòng đùm-bọc của Chính-Quyền Quốc-Gia.

 

Lực-Lượng Hòa-Hợp Hòa-Giải Dân-Tộc tổ-chức mít-tinh khắp nơi, công-khai đòi-hỏi Việt-Nam Cộng-Hòa đơn-phương ngưng bắn, tiến tới bắt tay với kẻ thù.

Ðiều lạ là không thấy có cấp+chức nào trong chính-quyền, từ trung-ương đến địa-phương, ra mặt đối-đáp gì.

Tôi bèn đề-nghị, và được Thiếu-Tướng Nguyễn Khắc Bình (Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia) và Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây (Trưởng Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương) cho phép, đứng ra tiếp-xúc với họ để tìm hiểu, trao đổi những vấn-đề cần.

 

Lần này ra đây, họ sẽ đi đâu và làm những gì, chúng tôi đã biết rõ rồi; một phần là nhờ Ðặc-Cảnh các Tỉnh liên-hệ, một phần là do mật-viên của tôi nằm ngay bên trong Chùa Tỉnh-Giáo-Hội Ðà-Nẵng ở đường Ông Ích Khiêm – là trạm đầu-tiên cũng như cuối-cùng của họ trên mỗi chuyến đi các tỉnh Miền Trung.

Nhưng tôi giả-vờ như chưa biết gì, vừa để thăm dò thái-độ của họ, vừa để bảo-mật đường dây của mình:

– Quý vị dự-định làm gì, nhất là tập-trung đông người, vui lòng thông-báo cho chính-quyền địa-phương, để xin nhân-viên đến giữ an-ninh.  Ðừng để xảy ra sự-việc đáng tiếc như vụ vừa rồi trong Nam.  Quý vị thừa biết là Việt-Cộng sẵn-sàng trà-trộn vào đám đông.

Giáo-Sư Vũ Văn Mẫu đáp ngay:

– Vâng. Chúng tôi rất tiếc về vụ lộn-xộn vừa rồi trong đó, bởi vì đồng-bào đến dự quá đông, như cả biển người sùng-sục, ra ngoài dự-liệu của chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã chấn-chỉnh lại mọi sự rồi. Xin đại-tá yên tâm... .

 

*

VÀ rồi từ đầu đến cuối, dù cho đồng-bào tham dự các cuộc mít-tinh do Lực-Lượng Hòa-Hợp Hòa-Giải Dân-Tộc tổ-chức có đông đến đâu, trên khắp Vùng I vẫn không có một điều gì đáng tiếc xảy ra, trong thời-gian tôi ổn-định tình-hình nội-chính Miền Trung… .

 

LÊ XUÂN NHUẬN  

 

Bài-viết này đã được phổ-biến trên nhiều báo giấy và báo mạng, rồi in trong cuốn hồi-kí “Cảnh-Sát-Hóa: Quốc-Sách Yểu-Tử của Việt-Nam Cộng-Hòa” do nhà Xây-Dựng xuất-bản năm 2002, trong lúc:

Giáo-Sư Võ Đình Cường còn sống; mãi đến 2008, 6 năm sau ông mới từ-trần.