TRUNG-TÁ HOÀNG VIẾT THÌN

 

       

Thưở ấy, Chính-Quyền Trung-Ương bắt đầu leo thang biệt-phái quân-nhân qua Cảnh-Lực, gây nên những xáo-trộn lớn trong Ngành Áp-Pháp của Việt-Nam Cộng-Hòa.

Cảnh-nhân nguyên gốc vốn có ngạch-trật và cấp-hiệu riêng, mặc dù bị Bộ Nội-Vụ kỳ-thị nên ít và chậm thăng-thưởng, nhưng không bị ai so-sánh ngạch-trật của mình với cấp-bậc bên Quân-Lực để đánh giá hơn/thua.  Bây giờ thì mọi cảnh-nhân đều phải xếp lại thứ-hạng theo cấp-bậc quân-sự và mang cấp-hiệu quân-nhân; mà quân-nhân biệt-phái thì đông gấp bội phần và có cấp-bậc cao hơn rất nhiều nên chiếm đa-số chức-vị chỉ-huy; ngoài ra, quân-nhân biệt-phái vẫn mặc quân-phục và mang cấp-hiệu nền đen, trong lúc cảnh-nhân nguyên-căn thì mặc cảnh-phục và mang cấp-hiệu nền lục; lại nữa, cảnh-nhân quân-lai thì được xưng/hô cấp-bậc y như quân-nhân [thí-dụ: Đại-Tá Nguyễn Văn A], còn cảnh-nhân nguyên-căn thì phải kèm thêm hai tiếng “cảnh-sát”, thí-dụ “Đại-Tá Cảnh-Sát Cao Xuân Hồng”; do đó, dù là ngang cấp ngang chức, mà vì có sự phân-biệt nên cảnh-nhân nguyên-căn bị kém giá-trị rõ-ràng.

*

Trung-Tá Hoàng Viết Thìn, nguyên là Sĩ-Quan Thuyết-Trình tại Bộ Tổng-Tham-Mưu QLVNCH, biệt-phái qua CSQG, được cử ra làm Giám-Đốc Cảnh-Sát Đặc-Biệt Vùng II thay tôi; còn tôi trụt xuống làm Phó cho Thìn.

Tôi thì dù cương-vị nào bao giờ cũng đem hết khả-năng, kinh-nghiệm, và thiện-chí của mình ra mà phục-vụ.  Tôi chống chính-sách quân-cách-hóa Cảnh-Lực, chứ không phải chống cá-nhân quân-nhân biệt-phái nào, nếu họ là những người có đức-độ và tài-năng.  Tôi đã tận-tình góp ý với Thìn trong những vấn-đề đặc-thù của Ngành Áp-Pháp, để giúp anh làm tròn trách-vụ, là trách-vụ chung, và tránh lỗi-lầm.  Nhưng, nghe theo hay không là một chuyện khác.

*

Để xác-chứng quyền-lực của mình sau khi đáo-nhiệm Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia, một hôm Đại-Tá (về sau là) Thiếu-Tướng Nguyễn Khắc Bình đến thị-sát Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Sát Quốc-Gia Vùng II cũng là nhiệm-sở của Thìn và tôi.

Trong lễ tiếp-đón, tất cả các Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Tỉnh/Thị trong Vùng đều về tập-trung trong sân trụ-sở cùng với toàn-thể các cấp viên-chức của Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng II.

Khi xe của Đại-Tá Bình được đoàn hộ-tống hướng-dẫn từ phi-trường đến đậu trước cổng trụ-sở, Đại-Tá Chỉ-Huy-Trưởng Vùng, vốn là cảnh-nhân nguyên-căn, lại mới tiếp-đón Cấp Trên theo lối nhà-binh lần đầu nên còn giữ thế chừng-mực, thì Thìn đã rời chỗ đứng của mình trong sân, lấn bước viên Chỉ-Huy-Trưởng địa-phương, ra cổng chào đón, rồi sánh vai Bình vừa chuyện-trò thân-mật vừa tiến vào sân, mặc viên Chỉ-Huy-Trưởng sở-tại im-lặng như một cái bóng thừa đi kèm một bên.

 *

Về sau, có một lần Ông Robert Grainger Ker Thompson được Tổng-Thống Hoa-Kỳ cử qua Việt-Nam tìm hiểu tình-hình tại chỗ, để giúp Hành-Pháp Hoa-Kỳ có thêm căn-bản hầu dễ quyết-định chính-sách đối với Việt-Nam Cộng-Hòa trong cũng như sau Hòa-Hội Paris; và Ô. Robert Thompson đã chọn đến thu-thập thêm những dữ-kiện và nhận-định mới+lạ, về các vấn-đề dân-tình và chính-tình, tại Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng II này.

Tôi đã tự mình tìm hiểu từ lâu, và đã đọc được bản tài-liệu gốc về “Ấp Chiến-Lược”, nên biết rõ Sir Robert Thompson là “ông tổ” của Kế-Hoạch ấymà học-trò là Thiếu-Tướng Mỹ Edward Lansdale đã đem qua đây dạy lại cho anh+em Diệm+NhuThompson đến đây lần này là để đánh giá chiến-tranh du-kích, chiến-tranh rừng núi, chiến-tranh tiêu-haocủa cộng-sản Việt-Namlà sở-trường và quan-tâm đặc-biệt của ông, chứ không phải chỉ chú-trọng về khả-năng chiến-tranh diện-địa của Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa, mà vai trò sắp chấm dứt nay mai.  Tôi thảo bản thuyết-trình cho Ngành Đặc-Cảnh, và cũng dự-trù sẽ gặp riêng để trình-bày ý-kiến với Thompson.

Thế nhưng Trung-Tá Thìn, ỷ rành tiếng Anh, đã giành phần của Đại-Tá Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng sở-tại mà thuyết-trình và đối-đáp từ đầu đến cuối với Thompson, không để cho người chủ-nhà, lão-luyện trong nghề, có dịp đóng-góp một ý-kiến nào.  Bản thảo tài-liệu thuyết-trình của tôi đã bị loại bỏ từ đầu.

Kết-quả là Sir Robert Thompson, trong một sứ-mệnh trọng-đại như thế, đã chỉ nghe lại những quan-điểm thuần-túy quân-sự của Bộ Tổng Tham-Mưu, mà Thìn xin được, để dựa vào đó mà nói xuôi theonhững điều mà mọi giới-chức Hoa-Kỳ không cần đến đây cũng đều đã có nghe trước cả rồi.

*

Để có tư-cách Sĩ-Quan Cảnh-Sát Tư-Pháp [Tư-Pháp Cảnh-Lại, Hình-Cảnh-Lại], một yếu-tố cần-thiết về mặt pháp-lý trong hoạt-động của Ngành Đặc-Cảnh, tôi đề-nghị Thìn lập thủ-tục ra tuyên-thệ trước pháp-viện, như tôi đã làm.  Thìn lắc đầu:

– Tôi là sĩ-quan cao-cấp Quân-Lực biệt-phái, không phải dân-sự như các anh!

*

Ngành Đặc-Cảnh có hệ-thống tổ-chức, điều-hành, và quản-trị riêng, theo hệ-thống dọc.  Nhưng, trong những hoạt-động có liên-quan trực-tiếp đến quần-chúng một cách công-khai, Trưởng Ngành Đặc-Biệt phải nấp đằng sau, hoặc hành-sử tư-cách Phụ-Tá Đặc-Biệt của Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực địa-phương, theo hệ-thống ngang thí-dụ: bắt, giam, lục-soát, tịch-thu, thẩm-vấn, truy-tố, v.v...  Tư-cách Phụ-Tá Đặc-Biệt là một chức-năng đương-nhiên do Sắc-Lệnh của Chính-Phủ Trung-Ương quy-định.  Khi hành-sử chức-năng ấy, Trưởng Ngành Đặc-Cảnh một mặt phải chấp-hành các luật-lệ hành-pháp, một mặt phải tuân-thủ các thủ-tục tư-pháp.

Trong tinh-thần đó, và để giản-dị-hóa thủ-tục giấy-tờ, tôi có in sẵn một mẫu “Giấy Giới-Thiệu” để dùng trong mọi trường-hợp cắt cử thuộc-viên đi thi-hành bất-cứ một công-tác gì.  Ở phần chức-vị, tôi ghi là “Thừa Ủy-Nhiệm Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng II” rồi mới tự-xưng tư-cách “Phụ-Tá Đặc-Biệt”, xong ký tên mình, và đóng con dấu của Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng sở-quan.  Ở phần Ghi-Chú, tôi cẩn-thận ghi:  “Giấy Giới-Thiệu này được dùng để (làm gì), và có hiệu-lực kể từ ngày (nào) đến ngày (nào)”.  Vì sợ bị kẻ gian lợi-dụng, nhất là vào thời-gian ấy có nạn “bất phục-tùng” (tức trốn quân-nhiệm) nên tôi ghi thêm câu cuối:  “Giấy Giới-Thiệu này không được dùng để thay-thế Thẻ Căn-Cước của công-dân, Thẻ Hành-Sự của viên-chức, hoặc bất-cứ Chứng-Minh Thư nào.”

Thìn cũng sử-dụng mẫu “Giấy Giới-Thiệu” của tôi, nhưng sửa-đổi câu cuối ở phần “Ghi-Chú” nói trên.

 

Nhậm-chức được một thời-gian, Thìn liền đặt hẳn phòng-giấy thường-trực và làm việc tại nhà tư, cùng đưa Đại-Úy Chánh Sở Tác-Vụ đến đó trực-tiếp làm việc riêng với nhau.

Những hiện-tượng ấy đã ghi một ấn-tượng sâu đậm trong lòng mọi người.  Nó nói lên cái thế mạnh của Thìn, của giới quân-nhân biệt-phái, và rõ-ràng là anh đã cố-ý hành-động như trên.

 

Thật ra, chỉ có những người vì quá yêu nghề, hoặc không tham tiền, hoặc muốn yên phận, hoặc bị cầm chân, hoặc chưa có địp, nên mới ở lại với Ngành Đặc-Cảnh; còn những kẻ khác thì chỉ mong được chuyển qua Cảnh-Sát Sắc-Phục, để có hy-vọng kiếm chút lợi-lộc riêng-tư.

Nếu trong một Tỉnh mà Tỉnh-Trưởng là vua, thì Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực cũng là một phó-vương.

Trung-Tá Hoàng Viết Thìn không bằng lòng với chức-vụ hiện có.  Anh dòm-ngó chiếc ghế Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Tỉnh sở-tại, nơi tọa-lạc trụ-sở của cơ-quan mình.  Ý-đồ ấy quá lộ-liễu nên tiết-lậu ra ngoài.  Và Trung-Tá Trần Văn Đệ, đương-kim tại-chức, sợ bị mất chỗ, nên phải tự-vệ.  Và một trong những phương-thức tự-vệ đắc-sách nhất xưa nay vẫn là triệt-hạ tiềm-lực của đối-phương, nhất là khi mà đối-phương đã phạm sơ-hở rõ-ràng.

 *

Một hôm, Đại-Tá Cao Xuân Hồng mời tôi vào phòng-giấy, và dặn tùy-phái đừng để người khác vào quấy rầy.  Ông hỏi tôi:

– Ông có biết lâu nay Trung-Tá Hoàng Viết Thìn làm những việc gì không?

– Tôi nghĩ là vẫn những việc thông-thường như tôi đã làm trước kia.

Viên Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng II chỉ một chồng hồ-sơ để sẵn trên mặt bàn tiếp khách:

– Ông hãy đọc đi, rồi góp ý-kiến với tôi.

Đấy là những báo-cáo của một số nhân-viên thuộc Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Sát Quốc-Gia Tỉnh Khánh-Hòa, kèm theo là những bản sao “Giấy Giới-Thiệu” do Trung-Tá Thìn ký.  Những “Giấy Giới-Thiệu” ấy đã được cấp cho một số nguời có tên ghi bằng chữ viết tay mà tôi nhận ra là chính thủ-bút của Thìn.

Đại-Tá Hồng gọi điện-thoại mời Trung-Tá Trần Văn Đệ Chỉ-Huy-Trưởng Tỉnh sở-tại đến, và dặn tùy-phái để cho người này vào, xong quay lại tôi:

– “Giấy Giới-Thiệu” là để cấp cho thuộc-viên mỗi lần cần liên-lạc, tiếp-xúc với các cơ-quan đơn-vị khác.  Giấy ấy cũng được cấp cho Mật-Báo-Viên để khi cần thì xuất-trình trước nhà chức-trách.  Có phải hồi trước ông làm như thế không?

– Vâng.

– Thế mà hiện nay người nào mang “Giấy Giới-Thiệu” này cũng được xem là cảnh-nhân, mà cảnh-nhân thì được miễn quân-dịch.  Trung-tá Thìn đã cấp cho các thanh-niên đến tuổi quân-nhiệm để họ khỏi đi làm nghĩa-vụ, và cấp cho cả các quân-nhân tại-ngũ để họ trả súng lại cho đơn-vị mà trở về nhà!

Viên đại-tá chỉ cho tôi đọc câu cuối ở phần “Ghi-Chú”:  “Giấy Giới-Thiệu này được dùng để thay-thế Thẻ Căn-Cước, Thẻ Hành-Sự, và các loại Chứng-Minh-Thư khác.”  Nãy giờ tôi tưởng là câu ghi-chú cũ của tôi đã được dùng lại và vẫn còn y nguyên, bây giờ mới thấy là thiếu chữ “không”.

Đại-Tá Chỉ-Huy-Trưởng Vùng cầm tay tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi mà hỏi:

– Ông hãy nói thật với tôi: ông có dính-dáng xa gần gì đến việc làm này không?  Nếu có thì tôi sẽ đỡ vớt cho ông, còn nếu không thì... ai làm nấy chịu!

– Tôi làm việc chung với ông từ bao lâu nay, tốt/xấu thế nào ông đã biết rõ tôi rồi.

– Tốt lắm! Thế thì tôi sẽ để mặc cho Cảnh-Lực Tỉnh; phận-sự của họ thì họ thi-hành!

 

Vừa lúc đó, viên Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Sát Tỉnh Khánh-Hòa gõ cửa bước vào, chào chúng tôi.

Viên đại-tá trưởng-thượng nói ngay:

– Ông Nhuận không liên-can gì đến những việc này!

Trung-Tá Trần Văn Đệ [về sau là đại-tá, Chỉ-Huy-Trưởng CSQG Tỉnh Gia-Định] nắm chặt tay tôi, lắc mạnh:

– Chính tôi cũng đã tin như thế mà!

Viên Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Tỉnh lấy lại chồng tài-liệu, nói tiếp:

– Vì kính-trọng đại-tá cũng như có thiện-cảm với Ông Nhuận nên tôi mới trình riêng nội-vụ như thế này.  Tôi cũng xin trình thêm là mỗi “Giấy Giới-Thiệu” như thế bán ra hắn thu vào được ít nhất là một trăm nghìn đồng; và bây giờ thì Giấy ấy đã được lưu-hành ở cả các Tỉnh khác nữa.  Vậy xin Bộ Chỉ-Huy Vùng hãy xem như chưa hề hay biết gì về vụ này.

 

Sau khi viên trung-tá Tỉnh ra về, viên đại-tá Vùng mời tôi ngồi nán lại, và cho mời Trung-Tá Hoàng Viết Thìn vào.

– Tôi đã có lần nào ủy-nhiệm cho trung-tá ký thay tôi trên các “Giấy Giới-Thiệu” để thay-thế cho Thẻ Căn-Cước, Thẻ Hành-Sự, hoặc các loại Chứng-Minh-Thư hay không?

– Thưa không.

– Thế thì tại sao trung-tá lại ghi là “Thừa Ủy Nhiệm Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Sát Quốc-Gia Vùng II”?

Thìn nghẹn-ngào không thể trả lời.

 *

Việt-Nam Cộng-Hòa có ba (3) hệ-thống pháp-viện thì Thìn bị cả “ba (3) tòa quan lớn” truy-tố:  Tòa Án Sơ-Thẩm địa-phương về các tội-danh “tiếm chức”, “lạm dụng quyền hành làm điều phi pháp”; Tòa Án Quân Sự Thường-Trực thuộc Quân-Khu sở-tại về tội-danh “tán trợ bất phục tùng”; và Tòa Án Quân-Sự Tại Mặt Trận trong Quân-Khu liên-hệ về tội-danh “tán trợ đào binh trong thời chiến”.  Cả ba pháp-viện ấy đều đặt trụ-sở ngay tại thành-phố Nha Trang là nơi Thìn đang cư-ngụ và có nhiệm-sở của mình.

 

Khi thình-lình nhận được Trát Đòi, Thìn hốt-hoảng đang giữa đêm khuya vội lén-lút dắt vợ+con chạy trốn về Sài-Gòn, trình-diện tại Bộ Tổng Tham-Mưu, để tránh ê mặt với mọi người ở ngoài này.

Trước tình-cảnh đó, tôi không còn biết nói gì.

Nếu Thìn chịu nghe lời tôi!  

Về mặt tâm-lý:  Quân-Lực có những đặc-tính riêng-biệt trong giới chuyên-môn của mình; bởi thế, dù là Tiến-Sĩ hay Bộ-Trưởng mà mới chân-ướt chân-ráo bước vào quân-ngũ thì cũng phải bắt đầu bằng cấp-bậc sĩ-quan hạ-đẳng, với chức-vụ khiêm-nhường tương-đương mà thôi.  Thế nhưng, ngược lại, hầu như sĩ-quan Quân-Lực nào cũng tự thấy hễ mình có lon lá lớn là đã đủ để đầu-hôm sớm-mai nhảy qua giữ vị-thế cao, ở các Phủ, Bộ, bất-cần kiến-thức và kinh-nghiệm trong các ngành/nghề chuyên-biệt của người.

Về mặt sự-lý:  Nếu Hoàng Viết Thìn đã ra tuyên-thệ, đã là Sĩ-Quan Cảnh-Sát Tư-Pháp, đã làm quen với những thuật-ngữ, những thủ-tục pháp-lý, dù chỉ trên mặt giấy-tờ, thì ít nhất ảnh cũng đã tìm hiểu dăm ba điều luật hiện-hành; điều đó hẳn đã giúp ảnh biết được những gì là trái luật, và những hình phạt thế nào.  Một lời tuyên-thệ, dù chỉ tượng-trưng, cũng có giá-trị của một lời cam-đoan danh-dự, hẳn đã ngăn-chận tối-đa bản-năng và hành-động sai-trái của Thìn.  Hơn nữa, với tư-cách Tư-Pháp Cảnh-Lại, Phụ-Tá Biện-Lý, hẳn Thìn đã có những giao-tiếp thường-xuyên với Công-Tố-Viên, thì, khi mới có dấu-hiệu bất-thường, hẳn ảnh đã được Biện-Lý xây-dựng kịp-thời; cùng lắm thì hồ-sơ nội-vụ cũng đã được lặng-lẽ di-lý đến một Vùng/Quân-Khu khác, ngoài hoạt-vực của mình, để ảnh có đủ thì-giờ tỉnh-táo sắp-xếp mọi điều, chứ đâu đến đỗi phải bị bất-ngờ, giữa đêm bỏ chạy, trốn chui trốn nhủi như thế bao giờ...

 

LÊ XUÂN NHUẬN