HUYNH-TRƯỞNG NGUYỄN MÂU

 

 

Trung-Tá Nguyễn Mâu là Phụ-Tá Tổng-Giám-Đốc (về sau là Phụ-Tá Tư-Lệnh) Cảnh-Sát Quốc-Gia đặc-trách Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương, từ giữa năm 1968 đến cuối năm 1972.

Thời-gian đó là một chặng đường trên quá-trình lâu năm phục-vụ Ngành Đặc-Biệt của tôi ở Vùng II, nên tôi được hân-hạnh làm việc trực-tiếp dưới quyền của ông.

Tôi có nhiều kỷ-niệm về Trưởng Ngành Đặc-Biệt Việt-Nam Cộng-Hòa Nguyễn Mâu ‒ những mẩu ký-ức tôi không bao giờ quên ‒ vui thì nhiều, mà buồn thì cũng không phải là không.

 

Vì ông sinh-hoạt sát cánh với anh+chị+em trong Ngành, thân-thiết như một người anh trong gia-đình, nên đa-số chúng tôi gọi ông là Huynh-Trưởng. 

Huynh-Trưởng Nguyễn Mâu đến với Ngành Đặc-Biệt của Lực-Lượng Cảnh-Sát Quốc-Gia, là một khuôn mặt mới, nhưng lại làm nên một bộ mặt mới cho Ngành (Ngành viết hoa  vì trong CSQG chỉ có Đặc-Biệt là một Ngành được Sắc-Lệnh của Chính-Phủ lập nên, còn các Khối/giới/bộ-phận khác thì không).

Ông đã từng là Chỉ-Huy-Trưởng Trung-Tâm Tình-Báo Hỗn-Hợp Đồng-Minh, nên đã có sẵn kiến-thức chuyên-môn, lại giàu sáng-kiến, với tinh-thần phục-vụ cao, và quyết-tâm chống-Cộng (và chống cái-Xấu), dần dần đưa Ngành Đặc-Biệt vào giai-đoạn vững-mạnh cả từ tổ-chức đến điều-hành, và nhất là hoạt-động hữu-hiệu gặt-hái được nhiều thành-quả lớn-lao.

Ông đã để lại một số dấu ấn đậm nét trong trí nhớ của tôi.  

 

Đối với tình-hình nước ta thời bấy giờ, việc phân-biệt tín-ngưỡng là một vấn-đề gai-góc vẫn còn âm-ỉ từ sau cuộc Cách-Mạng 1-11-1963. “Biến-cố Đài Phát-Thanh Huế” là một dấu mốc trong lịch-sử nước nhà. Sau khi cuộc biểu-tình và vụ nổ ở đó xảy ra, phản-ứng đầu tiên của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm là cất chức Tỉnh-Trưởng Tỉnh Thừa-Thiên kiêm Thị-Trưởng Thị-Xã Huế  Phật-Tử Nguyễn Văn Đẳng  thay-thế bằng một Giáo-Dân Kitô ‒ Thiếu-Tá Nguyễn Mâu. Dân-chúng hồi-hộp chờ-đợi những gì có thể tưởng-tượng được từ tân-nhân-vật lãnh-đạo chính-quyền địa-phương sôi-động này. Nhưng, Tỉnh/Thị-Trưởng Nguyễn Mâu đã giữ mình công-chính, từ đó về sau không hề bị một ai than phiền trong vai trò chính-trị vô cùng tế-nhị ấy của mình. 

 

Đến khi qua cầm đầu Ngành Đặc-Biệt toàn-quốc, một ngành “mật-vụ”, cũng thế, cá-nhân Nguyễn Mâu không hề kỳ-thị  một việc làm rất dễ ‒ đối với bất-cứ người nào khác tôn-giáo với mình.

Huống gì tôi, một viên-chức dưới quyền, đã từng bị “tì-vết” là một kẻ đầu tiên chống-đối những tệ-nạn dưới thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa.

Tự trong lòng mình, tôi kính phục và mang ơn Nguyễn Mâu.

 

Trở lại với Ngành Đặc-Biệt Việt-Nam Cộng-Hòa:

 

Về mặt tổ-chức, nổi bật là Huynh-Trưởng Nguyễn Mâu đã thành-lập “Biệt-Đội Thiên Nga” ‒ như để chắp cánh theo sau “Phụng-Hoàng” ‒ lần đầu tiên chú-trọng khai-triển sâu rộng khả-năng phục-vụ của nữ-giới, mà thành-tích công-tác đã được nhiều cơ-quan bạn biết đến, ngay cả đối-phương cũng từng kiêng dè.

 

Về mặt huấn-luyện, ngoài các Khóa “Cán-Bộ Điều-Khiển”, “Thẩm-Vấn Chính-Trị”, v.v... ông đã phối-hợp với Phối-Trí-Viên CIA tổ-chức các Khóa Tu-Nghiệp “Phản-Tình-Báo Cao-Cấp” (mà tôi là thủ-khoa Khóa I). Ông lại thực-hiện các Khóa Đào-Tạo “Lãnh-Đạo & Chỉ-Huy Cảnh-Sát Đặc-Biệt Cao-Cấp” (tôi cũng tham-dự Khóa I, tuy không chấm điểm nhưng tôi được xem thuộc hạng Tối Ưu).

Trong cả hai trường-hợp ấy, tôi đã được bầu làm đại-diện cho các Trưởng Ngành Đặc-Biệt của bốn Vùng Chiến-Thuật và Đô-Thành Sài-Gòn, đọc diễn-văn vào các lễ bế-mạc dưới quyền chủ-tọa của Tổng-Giám-Đốc Chuẩn-Tướng Trần Văn Hai.

 

Về mặt dụng-nhân, ông không phe-phái mà chỉ tận-dụng năng-lực của mọi thuộc-viên dù từ gốc-gác nào; đặc-biệt là “bình-dân”, tạo một không-khí thân-mật, cởi-mở, để anh+chị+em trong Ngành thoải-mái làm việc ‒ sợ là sợ nếu mình làm gì sai-trái chứ không phải là sợ vì quyền-lực của cấp chỉ-huy.  

 

Ông cũng đích-thân hành-động, chứ không phải chỉ ngồi một chỗ mà ra lệnh cho cấp dưới thi-hành.  

 

Có một lần, sau buổi họp tại Trung-Ương, ông kéo các Trưởng Ngành Đặc-Biệt Thủ-Đô và bốn Vùng Chiến-Thuật, cùng vài viên-chức dưới quyền của ông, ra phố, vào một nhà hàng ăn. Ở đây, có một nữ-ký-giả trẻ đẹp được Cán-Bộ Điều-Khiển bố-trí đến gặp ông và cùng dùng bữa với chúng tôi. Biết tôi cũng ở trong giới viết-lách, ông để cho nàng ngồi giữa ông và tôi. Cô-ta trổ tài, viết lên khăn giấy mấy câu thơ, đưa ông, ông chuyền qua phía bên kia để các anh+em cùng đọc, cuối-cùng là đến tay tôi. Tôi liền chữa ngay mấy chỗ lạc điệu, sai vần của cô-ta. Tôi thấy ông khoan-khoái gật-gù. “Đàn em” của ông là bậc thầy trong nghề cầm bút đấy, cô em!

Trên đường về, tôi hỏi riêng Quận-Trưởng Trần Văn Bi, Chánh-Sở Công-Tác Đặc-Biệt: “Cô nào thế?” Anh đáp: “Một đầu-mối của bọn tôi đấy. Làm thơ, viết văn, đi điều-tra viết phóng-sự... nhưng nội-dung thì phản-chiến, thiên-Cộng. Cũng giống như mấy tên du-ca, dùng âm-nhạc làm nhụt chí chiến-đấu của bên mình, có lợi cho bên kia...”

Tôi muốn hỏi xem vì sao cô-ta được cho đến đó, song ngại nguyên-tắc “bảo-mật” và “ngăn-cách” nên thôi. Đoán được thắc-mắc của tôi, Bi nói tiếp: “Bọn chúng rõ-ràng làm lợi cho đối-phương, nhưng chúng ta chưa nắm được bằng-chứng hay nhân-chứng là bọn chúng nằm trong đường dây nào của Việt-Cộng, nên chưa bắt được. Mà để cho địa-phương theo-dõi thì tốn nhiều nhân-viên, thì-giờ; vả lại bọn chúng thường hay ra khỏi địa-phương, lắm khi mất dấu; còn muốn móc-nối làm mật-báo-viên cho ta, thì hoặc vì chưa nắm được “tẩy” nên khó lòng tiếp-cận, hoặc bọn chúng không những không nhận lời mà còn có thể trở lại cười mình. Do đó, Huynh-Trưởng của chúng ta đã đi một nước cờ cao, là cho mời đến gặp ông; để ông vừa biểu-lộ thông-cảm với những suy-tư cảm-xúc ‘siêu-biên-giới’ của giới văn-nghệ-sĩ, vừa tâm-sự về vận nước và thế đứng của người công-dân, vừa chứng-tỏ là bọn chúng đã được (hay bị) cơ-quan an-ninh tình-báo chiếu-cố rồi. Vì thế, một mặt thì bọn chúng phải chùn bước, một mặt thì Việt-Cộng phải dè chừng. Tức là ông dùng bao tay bằng nhung vuốt vai bọn chúng, mở đường cho mọi Cán-Bộ Điều-Khiển bất-cứ ở đâu cũng dễ-dàng dùng bàn tay thịt hay bàn tay sắt, tùy theo trường-hợp nhẹ/nặng mà ‘làm việc” với bọn chúng, vì xem như đã được phép hoặc được lệnh của Cấp Trên rồi... Bọn tôi ở Trung-Ương bám theo bọn chúng khắp nước, có lợi-thế hơn các địa-phương...”

 

Có một lần, Huynh-Trưởng Nguyễn Mâu ra Vùng II. Khi đang ngồi giải-khát trên bãi biển Nha-Trang, ông ngỏ ý muốn gặp... một viên Thượng-Sĩ-Nhất Mỹ mà ông đã quen đâu tận trong Miền Nam. Anh em nhìn nhau, lắc đầu. Ở thành-phố này, có biết bao nhiêu là sĩ-quan Hoa-Kỳ, huống gì là hạ-sĩ-quan, và ai mà để ý xem tên trên ngực áo của họ làm gì. Nhưng may là tôi cũng hay để ý đến các quân-nhân tuy cấp-bậc thấp mà công-việc quan-trọng và có tầm giao-dịch rộng hơn lệ thường, nên tôi nghi, và đã làm quen. Khi nghe ông tả sơ qua là tôi lái xe vào ngay trong cư-xá của Bộ Tư-Lệnh Mac-Cords Quân-Khu II, dù đang giờ trưa nghỉ việc, tìm dẫn anh ta ra gặp Huynh-Trưởng của Ngành ngay.

 

Có một vụ, về tôi, đã làm Huynh-Trưởng Nguyễn Mâu nhức đầu. Lúc đó có một bộ-phận mới được thành-lập, gọi là “An-Ninh Nội-Bộ”, cũng coi về hành-vi chính-trị của nhân-viên CSQG. Nha CSQG Cao-Nguyên Trung-Phần được BTL Khu 23 Chiến-Thuật gửi đến một tài-liệu bắt được của VC tại mặt trận, nói rằng chúng đã móc-nối được một nhân-viên của Nha, tên Trần Kim Tuyến [trùng tên, chứ không phải là viên cựu giám-đốc Nha Nghiên-Cứu của Phủ Tổng-Thống thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa]. Cấp trên bút-phê cho tôi (Trưởng Ngành ĐB kiêm Trưởng Ban ANNB) điều-tra. Nghĩ tình đồng-nghiệp, thay vì để cho Trưởng-Ban Hoạt-Vụ là Thẩm-Sát-Viên Võ Hữu Thái đem gửi y-viên vào Phòng Tạm Giam của Ty CSQG Tỉnh Darlac như lệ thường, tôi chỉ cho cấm trại y-viên tại cơ-quan để chờ hỏi cung. Phái-viên của ANNB Tổng-Nha lên Ban Mê Thuột, gặp Tuyến, nghe y-viên than phiền là bị cầm chân tại sở không cho về với vợ+con, bèn báo-cáo, và tôi bị Tổng-Giám-Đốc ký Lệnh Phạt. Lệnh này có giá-trị hai năm (không thăng cấp, không tiến chức). Tôi khiếu-nại, Giám-Đốc Nha xác-nhận là chính ông ký “lệnh cấm trại” ấy, và Huynh-Trưởng Nguyễn Mâu cũng can-thiệp; nhưng không có kết-quả. Phòng ANNB tại Tổng-Nha thuộc quyền của một sĩ-quan quân-lực mới được biệt-phái qua, đang gây thanh-thế để tiến lên cao (thành Nha “An-Ninh Cảnh-Lực” sau này), không thể tự phủ-nhận giá-trị công-tác và đề-nghị đầu tiên của mình. Huynh-Trưởng Nguyễn Mâu đòi-hỏi quyền góp ý của Ngành Đặc-Biệt, nêu lên nhiều trường-hợp một số viên-chức Cảnh-Sát Đặc-Biệt khác, vì công-vụ mà tiếp-xúc với VC, bị ANNB báo-cáo là có quan-hệ với đối-phương, oan cho họ và bất-công cho cơ-quan. Tổng-Giám-Đốc giao cho Phó Tổng-Giám-Đốc, Kiểm-Tra Thượng-Hạng (sau này là Chuẩn-Tướng) Bùi Văn Nhu giải-quyết. Ông Nhu bị kẹt, vì ông là viên-chức nguyên ngành, mà Trưởng Phòng ANNB là sĩ-quan mới được biệt-phái qua (tức là thân-tín của Tổng-Giám-Đốc). Ông Nhu mở một cuộc họp liên-Khối tại Tổng-Nha, có đông-đảo viên-chức Khối, Sở, Phòng tham-gia. Viên Trưởng Phòng ANNB thuyết-trình, ví công-việc của mình với An-Ninh Quân-Đội bên quân-ngũ, kết-luận văn-hoa là “chó sủa mặc chó, đoàn lữ-hành cứ đi!” Huynh-Trưởng Nguyễn Mâu của Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương trả lời, giải-thích rằng An-Ninh Quân-Đội, trong những trường-hợp tương-tự, vẫn có hội-ý với Phòng Nhì, Đơn-Vị 101, Liên-Đoàn 77, Phủ Đặc-Ủy Trung-Ương Tình-Báo, Tổng-Nha CSQG, v.v... và cũng kết-luận văn-hoa là không lẽ viên-chức Đặc-Cảnh cũng đành như “Tráng-Sĩ Kinh Kha trên dòng Dịch-Thủy, một lần qua sông, là một lần đi không trở lại...” Hội-Đường vỗ tay rầm rầm. Nhưng rốt cuộc thì vì tôi mà các Trưởng Ngành Đặc-Biệt khác trên toàn-quốc không còn được giao kiêm-nhiệm Trưởng Ban ANNB (hồi đó), và riêng tôi thì chỉ được (cấp chỉ-huy sau đó của ANNB, và Tổng-Giám-Đốc kế-tiếp của Tổng-Nha) cho bạch-hóa hồ-sơ, sau khi Lệnh Phạt đã có hiệu-lực quá hai năm rồi! Dù sao, tôi tin là Huynh-Trưởng Nguyễn Mâu cũng không khỏi buồn về vụ của tôi.

 

Tuy nhiên, nỗi buồn lớn hơn của Huynh-Trưởng Nguyễn Mâu là ông không được tiếp-tục phục-vụ trong Ngành Đặc-Biệt lâu hơn. Trở về quân-ngũ, dù ông có được thăng cấp-bậc cao, có được giữ chức-vụ lớn, ông vẫn còn nặng lòng lưu-luyến với Ngành Đặc-Biệt xưa.

Mọi dịp Tết sau đó, tôi (và các cựu cộng-sự-viên cũ) vẫn còn nhận được thư kèm thiệp của ông nồng-nàn Cung Chúc Tân Xuân.

Sau này ra hải-ngoại, mỗi lần đến dự các sinh-hoạt của cựu CSQG ông vẫn mặc bộ đồng-phục Cảnh-Sát Dã-Chiến (danh-xưng dưới thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa là “Cảnh-Sát Chiến-Đấu”), vừa tỏ tình đồng-nghiệp cũ, vừa khẳng-định nhiệm-vụ “chiến-đấu” chống-Cộng vẫn còn trên thân-xác cũng như trong tâm-hồn ông.

 

Huynh-Trưởng Nguyễn Mâu đã cho ra đời hai cuốn sách “tường trình nghiệp vụ” nhan đề “N.Đ.B.” (en-đi-bi: Ngành Đặc-Biệt), mà mới đọc qua cuốn đầu (do ông đề tặng “Lê Xuân Nhuận, một sĩ-quan tình-báo có tầm-vóc thuộc NĐB đã từng là trụ-cột an-ninh chính-trị tại Vùng II Chiến-Thuật”), tôi đã choáng ngợp trước một số thành-quả công-tác rực-rỡ của chính ông cống-hiến cho Đất Nước, mà chính đa-số anh+chị-em trong Ngành trước kia cũng chưa được biết rõ-ràng:

 

‒ Phá vỡ Cụm Tình Báo Chiến Lược A-22, tóm cổ điệp-viên Huỳnh Văn Trọng (y được địch gài vào Phủ Tổng-Thống, giữ chức-vụ Cố-Vấn Chính-Trị cho Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu); Vũ Ngọc Nhạ, thiếu tướng tình báo Việt Cộng (y được địch gài vào Bộ Tham-Mưu của Phủ Tổng-Thống); cùng với một số phái khiển tình báo chiến lược cao-cấp khác;

‒ Đập tan tổ-chức xâm-nhập của phái khiển Đoàn Ngọc Bửu, nhắm vào Dinh Độc Lập (chúng có hầm bí-mật đào từ ngách dưới giếng nước để đặt điện-đài, trong nhà ở Bình Dương của một bác-sĩ sui-gia với phu-nhân tổng-thống, và con trai của bác-sĩ ấy cũng là anh em cột chèo với Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu);

‒ Triệt-hạ Cụm Tình Báo Chiến Lược A-26 của phái khiển tình báo chiến lược Trần Ngọc Hiền, anh ruột của Đại-Tá Trần Ngọc Châu, Tỉnh Trưởng Tỉnh Kiến Hòa (mạng lưới này nhắm vào Quốc-Hội Việt-Nam Cộng-Hòa và Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống-Nhất);

‒ Loại trừ Cụm Tình-Báo Chiến-Lược A-54 của phái khiển Sáu Già tức Bùi Văn Sắc (y sử-dụng mỹ-nhân-kế, cùng với người đẹp do y giới-thiệu dọn vào ở chung với Trung-Tướng Nguyễn Chánh Thi, khi thì tại tư-dinh của Tư-Lệnh Vùng I, khi thì tại tư-dinh của Tướng Thi ở đường Gia-Long Saigon, thu-thập tin-tức về quân-sự và cả chính-trị, tôn-giáo, tại Vùng I và Miền Nam);

‒ Kết liễu Cụm Tình-Báo Kỹ-Thuật của phái khiển Phạm Đức (chúng dùng một chiếc tàu tình-báo vô-tuyến viễn-thông điện-tử, cùng các cán-bộ mang căn-cước giả là sinh và chánh-quán tại Ninh Thuận là quê quán của Tổng-Thống Thiệu, xâm-nhập vùng biển Miền Nam, từ biển Quảng Ngãi đến bến Cầu-Đá Nhatrang, nhắm vào Bộ Tư-Lệnh Dã-Chiến II Hoa-Kỳ đóng ở bờ biển Nha-Trang) (Trong vụ này Lê Xuân Nhuận của Vùng II đã có tham-gia);

‒ Bóp chết Cụm Đặc Công, gồm có Mũi của Nguyễn Văn Hùng (y được gài vào làm tài-xế nằm vùng tại văn-phòng Bộ Tư-Lệnh MAC-V của Đại-Tướng Creighton Williams Abrams Jr. Mũi này có 8 sĩ-quan đặc-công cùng 13 cơ-sở, được trang-bị chất nổ do Nga chế-tạo và nhiều loại vũ-khí tấn-công); Mũi của 2 chị em nữ-sinh Thiều Thị Tạo  Thiều Thị Tân (cài cấy nội-tuyến bên trong Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Sát Quốc-Gia, chuẩn-bị đánh sập văn-phòng của Chuẩn-Tướng Trần Văn Hai); Mũi của Nguyễn Văn Ty (chúng sử-dụng chất nổ C4 và mìn chống chiến-xa, phục-kích đoàn xe của Thủ-Tướng Trần Văn Hương trên đường Cường-Để  Bạch-Đằng.  Khi đoàn xe vừa qua khỏi tháp canh cuối trong khuôn-viên Phủ Thủ-Tướng thì chúng nổ súng khởi-sự, định cho nổ mìn claymore, nhưng Ngành Đặc-Biệt đã lập-tức phản-công, tóm bắt trọn ổ, có 7 đồng bọn);

 Vân vân...

 

Huynh-Trưởng Nguyễn Mâu quả đã không hổ danh là một cấp lãnh-đạo và chỉ-huy Điệp-Báo & Phản-Gián cao-cấp ưu-tú của cả nước Việt-Nam Cộng-Hòa.

 

LÊ XUÂN NHUẬN