THIẾU-TÁ PHAN RANG

 

 

THIẾU-TÁ Phan Rang là Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Tỉnh Quảng-Trị, tỉnh địa-đầu của Việt-Nam Cộng-Hòa tiếp-giáp vĩ-tuyến 17 chia hai Đất Nước theo Hiệp-Định Geneva 1954.

 

Mùa hè năm 1972, Cộng-Sản Bắc-Việt Xâm-Lược đã trắng-trợn vi-phạm thỏa-ước ấy, bất-thần xua quân vượt qua Sông Bến-Hai, dẫm nát vùng phi-quân-sự, tàn-phá Thị-Xã Đông-Hà, tiến chiếm Cổ-Thành tỉnh-lỵ của Tỉnh Quảng-Trị, thẳng đường vào Sông Mỹ-Chánh, định thọc sâu thêm hơn nữa vào Miền Nam. Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa đã phản-công đẩy lui lực-lượng xâm-lăng của kẻ thù phương Bắc. Nhưng cộng-sản cũng đã lấn được một bước: ranh-giới phân-chia hai Miền Nam‒Bắc đã bị dời vào thấu Sông Thạch-Hãn, thay vì ngang Sông Bến-Hai.

 

Từ đó, Tỉnh Quảng-Trị gồm có hai phần. Lãnh-thổ thì phía Bắc thuộc cộng-sản, phía Nam thuộc Việt-Nam Cộng-Hòa. Dân-cư phía Nam thì một phần vẫn còn ở lại tại Tỉnh nhà, một phần chạy vào lánh nạn tại Thị-Xã Đà-Nẵng rồi ở lại luôn trong các Trại Tạm-Cư nơi đây. Số đồng-bào di-tản này vẫn còn nằm dưới quyền kiểm-soát của chính-quyền Tỉnh Quảng-Trị; hai bên bị ngăn-cách nhau bởi ở giữa có lãnh-thổ Tỉnh Thừa-Thiên, Đèo Hải-Vân, và một phần đất phía Bắc của Tỉnh Quảng-Nam.

Trong tình-trạng ấy, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Tỉnh Quảng-Trị, cũng như nhiều viên-chức khác thuộc các cơ-quan cùng Tỉnh, có thể có mặt bất-cứ tại đâu mà vẫn được xem là đang thi-hành công-vụ ở trong quản-hạt của mình: hoặc Quảng-Trị, hoặc Đà-Nẵnghoặc cả Thừa-Thiên và Huế nằm trên đường đi giữa hai nơi kia.

*

Khi tôi mới “về Miền Trung” thì việc liên-lạc của Cảnh-Lực nói chung, Đặc-Cảnh nói riêng, giữa Vùng I với Tỉnh Quảng-Trị còn gặp nhiều khó-khăn. Công-văn thì đều do Bưu-Điện chuyển. Công-điện thì được chuyển qua đường dây vô-tuyến cơ-hữu, nhưng hay chậm-trễ vì thời-tiết xấu hoặc máy truyền-tin bị hư: từ khi Ban Văn-Thư nhận được đến khi tới tay cấp chỉ-huy, nhiều phen phải đợi cả ngày, gặp dịp lễ nghỉ thì càng lâu hơn.

 

Do đó, về thư-văn, tôi đã cắt-đặt một tống-thư-viên hằng ngày đi theo chuyến phi-cơ chở thư của Tòa Tổng-Lãnh-Sự Hoa-Kỳ tại Vùng I, đến Huế vào buổi sáng mỗi ngày. Sở Đặc-Cảnh Tỉnh Quảng-Trị phái một nhân-viên đến đón tại bãi đáp mà nhận cũng như gửi công-thư trao-đổi với Vùng. Những thư-văn khẩn đã được chuyển đến nơi nhận trong vòng vài/ba tiếng đồng-hồ thay vì vài/ba ngày. Về điện-văn, tôi đã thiết-lập một hệ-thống chuyển-tiếp vô-tuyến, dùng Huế ở giữa đứng làm trung-gian, chấm dứt tình-trạng gián-đoạn vì máy truyền-tin của Tỉnh Quảng-Trị lắm lần không liên-lạc được với Vùng. Tôi bắt-buộc Chánh Sở Đặc-Cảnh Tỉnh ấy phải báo-cáo lên tôi mỗi lần ra khỏi tỉnh-lỵ, đến những nơi nào, để biết rõ ở đâu mà liên-lạc những lúc cần.

 

Tôi cũng chú ý cải-thiện đường dây vô-tuyến giữa tỉnh-lỵ với các quận-lỵ trong Tỉnh ấy.

 

Cơ-hội thử-thách đầu-tiên là Đại-Hội Rước Kiệu “Đức Mẹ La-Vang”.

Vì đã gián-đoạn nhiều năm nay mới được tổ-chức lại nên giới tu-sĩ và giáo-dân liên-hệ từ nhiều nơi trong Tỉnh cũng như từ các Tỉnh khác kéo đến tham-dự rất đông, có cả du-khách ngoại-quốc, và nhiều phái-viên truyền-thông theo sát từng diễn-tiến để loan tin ra nước ngoài. Tài-liệu tịch-thu được của địch tiết-lộ rằng cộng-sản đã có kế-hoạch cho đặc-công trà-trộn vào đám đông để khủng-bố, phá-hoại, gây mất an-ninh chung và làm giảm uy-tín của Chính-Quyền Quốc-Gia trước thế-giới. Đồng-thời tin-tức tình-báo cũng cho biết là các phần-tử đối-lập quá-khích, đặc-biệt là nhóm Linh-Mục Trần Hữu Thanh, sẽ lợi-dụng dịp này để tuyên-truyền khích-động quần-chúng hầu phát-triển khí-thế tranh-đấu và gia-tăng áp-lực chính-trị đối-nội.

 

Vì thế, Trung-Ương đã ủy-trách cho tôi đích-thân chủ-đạo huy-động lực-lượng phối-trí công-tác cùng với địa-phương đề-phòng và ứng-phó. Ngoài bản-thân mình, tôi đã biệt-phái một Toán Đặc-Nhiệm của Vùng ra La Vang phụ-trách về cả an-ninh chìm lẫn truyền-tin cho suốt thời-gian mấy ngày đại-hội.

Kết-quả là không có việc gì đáng tiếc xảy ra.

Kinh-nghiệm bố-trí và điều-hành guồng máy trật-tự quy-mô ấy đã là bàn-đạp khả-tín cho những bước tiến tiếp theo của Ngành an-ninh & phản-gián tại Tỉnh địa-đầu này.

*

Thế nhưng, một hôm, vào mấy tháng cuối-cùng của Việt-Nam Cộng-Hòa, Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc, Chỉ-Huy-Trưởng CSQG Khu I, cho tôi biết là có tin-tức tình-báo đề-cập đến việc Thiếu-Tá Phan Rang, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Tỉnh Quảng-Trị, có liên-lạc tiếp-xúc bí-mật với thân-phụ của anh, là một cán-bộ cộng-sản hiện đang hoạt-động bí-mật ngay trên địa-phận hành-sự của anh.

Ông giao cho tôi chấp-lý nội-vụ.

 

Trước kia, Ngành Đặc-Cảnh đảm-trách mọi vấn-đề an-ninh chính-trị, kể cả ngăn+chống cộng-sản xâm-nhập vào hàng-ngũ cảnh-nhân.

Từ ngày Cảnh-Lực được tái-cải-tổ rập khuôn theo Quân-Lực, bộ-phận An-Ninh Cảnh-Lực ra đời, giữ phần phát-hiện, theo-dõi, điều-tra, và xử-trị các phần-tử nằm vùng trong nội-bộ CSQG, y như An-Ninh Quân-Đội bên Quân-Lực vậy. Tại Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng I cũng có một Sở An-Ninh Cảnh-Lực lo về việc này.

 

Trong thực-tế, An-Ninh Cảnh-Lực chú-trọng khám-phá các vụ tham-ô nhũng-lạm của cảnh-nhân, hằng ngày canh gác trụ-sở, và quản-lý hồ-sơ những nhân-viên bị xếp loại X.

Hồ-Sơ X” là danh-sách những nhân-viên bị nghi có hoạt-động cho cộng-sản hoặc có thân-nhân là cộng-sản, cùng với lý-lịch cá-nhân, các tin-tức liên-quan, các báo-cáo kết-quả theo-dõi định-kỳ. Việc theo-dõi ấy được giao cho cấp chỉ-huy trực-tiếp của mỗi đương-nhân. Vì An-Ninh Cảnh-Lực có ít nhân-viên hoạt-động bên ngoài trụ-sở, nên hầu như chưa có những vụ nội-tuyến đáng kể của địch do An-Ninh Cảnh-Lực tự mình tìm ra.

Rốt cuộc, Đặc-Cảnh vẫn đảm-trách việc khám-phá cộng-sản trong nội-bộ Cảnh-Sát Quốc-Gia.

 

Khi đã có tin-tức & tài-liệu liên-hệ đến Phan Rang như trên rồi, đáng lẽ Sở An-Ninh Cảnh-Lực Vùng I có thể bắt đầu mở cuộc điều-tra, nhưng Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc thấy là Thiếu-Tá Trịnh Bất Kim, Chánh-Sở Sở ấy còn kém chuyên-môn và thâm-niên cấp-bậc, thấp chức-vụ, và trẻ tuổi hơn Thiếu-Tá Phan Rang, nên không thể giao vụ này cho Kim.

Tôi là Trưởng E, được xếp vào hàng Giám Đốc một Nha-có-nhiều-Sở, có thâm-niên công-vụ nhiều hơn, lại lớn tuổi hơn các sĩ-quan liên-quan, nên được giao-phó công-tác này.

*

Tôi đến Quảng-Trị vào một ngày nắng nực. Gió tây-bắc từ Lào thổi qua vẫn cuốn theo từng đám bụi cát rắc phủ lên đầu tóc, mặt mũi, hai tay, cổ, ót, và vào cả mắt, khiến nhiều người ở đây có đôi mí mắt chèm-nhèm.

 

Lại một lần nữa đi trên “Đại-Lộ Kinh-Hoàng”, trông những tàn-tích khủng-khiếp của cuộc tấn-công do Cộng-Sản Bắc-Việt Xâm-Lược gây nên, nhìn xác của mấy chiếc xe-tăng T-54 và PT-76 của địch mà Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa đã phản-công đánh gục, lại đọc hai câu-đối thống-thiết dọc theo tường rào của ngôi miếu thờ vong-hồn tử-sĩ mà Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống-Nhất mới xây tại chỗ sau biến-cố lịch-sử Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, tôi lại phải một lần nữa đưa khăn-tay lên lau mắt, không phải chỉ vì bụi cát, mà chính là để chấm thấm dòng lệ đau hờn trào lên từ đáy tim mình.

 

A picture containing text, sign

Description automatically generated

*

Bắt tay vào việc, tôi thấy nguyên-nhân của vấn-đề được đặt ra là một bản Phiếu Điều-Chuẩn An-Ninh Cá-Nhân, do Phòng An-Ninh Cảnh-Lực của Bộ Chỉ-Huy CSQG Tỉnh Quảng-Trị phụ-trách, gửi lên Nha An-Ninh Cảnh-Lực thuộc Bộ Tư-Lệnh và Sở liên-hệ thuộc Bộ Chỉ-Huy CSQG Khu I.

Ngoài những mục thường-lệ như lý-lịch, cấp-bậc, chức-vụ, quá-trình phục-vụ, v.v..., Phiếu ấy còn có một mục đặc-biệt về liên-hệ gia-đình (với Việt-Cộng), tin-tức về hoạt-động (cho Việt-Cộng) của đương-nhân, biện-pháp và kết-quả đã thi-hành, ý-kiến và đề-nghị.

Phiếu này được lập chung cho nhân-viên mọi cấp, cứ mỗi định-kỳ làm lại một lần, ở cấp Tỉnh thì do Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực sở-tại ký.

 

Phiếu Điều-Chuẩn An-Ninh của Thiếu-Tá Phan Rang lần nầy có ghi thêm một chi-tiết mới, ấy là anh có cha là cán-bộ cộng-sản, và anh đã bí-mật tiếp-xúc với cha, như đã nói trên; và Phiếu ấy đã được chính anh ký tên rồi được đóng con-dấu chức-danh và cơ-quan mà gửi đi.

 

Tôi xem hồ-sơ lưu của Phòng An-Ninh Cảnh-Lực tại Tỉnh ấy thì thấy xuất-xứ là một bản tin của Bộ Chỉ-Huy Tiểu-Khu sở-tại, do Phòng 2 phụ-trách và trung-tá Tiểu-Khu-Phó, Phó Tỉnh-Trưởng Nội-An, ký tên.

 

Tôi đến gặp viên sĩ-quan này thì ông tế-nhị xác-nhận rằng đó chỉ là một bản tin mà Bộ Chỉ-Huy Tiểu-Khu nhận được, vì liên-hệ đến một viên-chức Cảnh-Sát nên thông-báo cho Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Tỉnh hữu-quan để tùy-nghi; còn việc điều-tra thực/hư là trách-nhiệm và quyền-hạn của tôi, vì Phan Rang hiện nay là người của CSQG, và cán-bộ cộng-sản là đối-tượng của Đặc-Cảnh. Ông nghĩ rằng tôi không cần tìm biết nguồn tin là aiAn-Ninh Quân-Đội hay Phòng 2.

 

Tôi tìm gặp riêng một số công-chức và sĩ-quan cao-cấp khác tại địa-phương mà tôi quen thân và nhiệm-vụ của họ có gần-gũi với lãnh-vực an-ninh chính-trị, thì họ không khẳng-định mà cũng không phủ-nhận tính-cách khả-dĩ xác-thực của nội-dung bản tin ấy. Vài người còn nhấn mạnh với tôi rằng Thiếu-Tá Phan Rang cùng với đa-số các sĩ-quan chỉ-huy các cơ-quan & đơn-vị quyền-lực khác trong Tỉnh đều là bạn thân với nhau, trong chỗ riêng-tư thì có nhiều điều ăn-ý với nhau nhưng cũng không thể tránh khỏi đôi điều không vừa lòng nhau.

 

Tôi trở lui nghiên-cứu vấn-đề tại Sở Đặc-Cảnh Tỉnh Quảng-Trị cùng với Đại-Úy Nguyễn Văn Tôn. Tôi đã chất-vấn cặn-kẽ các Trưởng Lưới xâm-nhập và phản-gián trong Tỉnh. Cuối-cùng, có một Trưởng Mối thú-nhận là đã có nghe một mật-viên đề-cập miệng vấn-đề đó, nhưng lại dè-dặt nói thêm là chưa đáng tin và cần phải phối-kiểm thêm nên chưa chính-thức ghi vào báo-cáo viết; từ đó, chưa thu-thập được thêm điều gì mới lạ nên chưa trình lên.

Rốt cuộc nội-vụ vẫn chỉ là một bản tin, chưa có bằng-chứng hoặc chi-tiết nào cụ-thể hơn.

 

Tôi đưa mẩu Phiếu Điều-Chuẩn An-Ninh của Phan Rang cho Thiếu-Tá Phan Rang xem. Anh tỏ ra ngạc-nhiên vô cùng.

Tôi hỏi:

‒ Anh nghĩ thế nào khi ký tên vào bản văn này?

Viên Thiếu-Tá Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Tỉnh Quảng-Trị trả lời tôi:

‒ Họ đưa lên thì tôi ký, chứ tôi có... đọc gì đâu!

Tôi lại hỏi:

‒ Vậy bản tin của Tiểu-Khu gửi qua anh cũng không đọc à?

Thuận thú-nhận:

‒ Thông-thường thì Văn-Phòng-Trưởng đọc trước, thấy công-thư công-điện thuộc phần-vụ nào thì làm dấu sẵn phân-phối cho phần-vụ ấy; có lẽ nhằm lúc tôi bận những việc gì khác nên đã y phê chuyển ngay bản tin ấy cho Phòng An-Ninh Cảnh-Lực mà không kịp đọc nội-dung.

 

Tôi không còn biết nói gì hơn.

Tôi bảo Phan Rang:

‒ Anh hãy viết ngay một Tờ Tự-Thuật, nói rõ về thân-phụ anh, và trình-bày ý-kiến của anh khi được tôi hỏi về vấn-đề này. Lát nữa tôi sẽ trở lui.

*

Đại-Úy Chánh Sở Đặc Cảnh Nguyễn Văn Tôn đưa tôi đi quan-sát vùng Sông Thạch-Hãn.

 

Len-lỏi qua những đống gạch vụn và những lùm cây hoang trải dài dọc theo bên này sông, giữa những hố hào của Thủy-Quân Lục-Chiến, tôi hồi-hộp tiến đến sát bờ để thấy cho rõ mà chụp một tấm ảnh vùng đất bên kia với lá cờ Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa trên đỉnh cột cờ.

Trong tình-hình hiện nay, kẻ thù phương Bắc có thể lia qua tôi vài phát đạn vô-tội-vạ một cách ngang-nhiên.

 

Tôi nhớ, vào những năm 1954-56, sau Hiệp-Định Geneva, tôi là phóng-viên chiến-tranh, thuộc Bộ Tư-Lệnh Đệ-Nhị Quân-Khu, đã nhiều lần đến quan-sát đường phân-ranh Nam‒Bắc này. Hồi đó, giới-tuyến còn nằm ở vĩ-tuyến 17. Chúng tôi ung-dung bước lên cây cầu Hiền Lương bắc qua Sông Bến-Hai, để nhìn thấy những cán-bộ cộng-sản mà Bắc-Việt đã khéo-léo đạo-diễn, trong vai những thanh-niên trẻ khỏe, sáng-sủa, mặc đồng-phục đại-lễ Công-An Nhân-Dân, luôn luôn lễ-phép giở mũ lưỡi trai tươi-cười chào-hỏi chúng tôi, đưa tay mời mọi người tiến qua bờ Bắc.

 

Bên đó có một rừng cờ, mà đập vào mắt nhất là ưu-thế thấy rõ trong cuộc tranh tài khoe cờ: lá cờ màu máu luôn luôn mới, lành, to khổ hơn và thắm màu hơn, so với ngọn cờ nền vàng trên bờ phía Nam. Cột cờ của họ cũng cao hơn của mình, dù sau nhiều lần đua nhau nâng cột, đổi cờ.

 

Những lần về sau tôi đều tránh gặp các nhân-viên Cảnh-Sát Miền Nam canh gác ở bờ bên này, mà có một số tôi quen. Tất cả là già, yếuyếu đồng-phục, yếu lương-tiền, và yếu cả sự nâng-đỡ vật-chất cũng như tinh-thần của Cấp Trên. Và họ chấp-nhận, không kêu-rêu gì về thân-phận mình (yếu thế nên mới bị “đày” ra đây). Ngay lần đầu-tiên đến vùng giới-tuyến ấy, những bác Thuế, những anh Cơ, v.v..., đã than-phiền với tôi về sự kém-cỏi của phe Miền Nam. Tiền Mỹ viện-trợ để đâu, ưu-tiên chi-tiêu dành cho mục nào, và có cặp mắt hay bộ óc nào nhìn xa hơn cái túi tham của mình để nhận ra sự thua-sút của lá Quốc-Kỳ biểu-tượng Tự-Do ngay ở tuyến đầu của Quốc-Gia?

 

Hồi đó còn có một Vùng Phi-Quân-Sự, còn có sự hiện-diện thường-trực tại đó, dù trên hình-thức, của Ấn-Độ, Gia-Nã-Đại, và Ba-Lan, trong Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát Đình-Chiếnvà thời-gian đầu còn có cả Pháp nữanên tôi không thấy sợ như bây giờ.

Nhưng, tuy hiện nay không còn có Cảnh-Sát gác ở đây, mà cái ấn-tượng về sự thua-kém của mình vẫn còn chưa phai trong tôi.

 

Vào dịp Phái-Đoàn Bắc-Việt trong Ban Liên-Hợp Quân-Sự 4-Bên rời Miền Nam sau khi hết hạn quy-định trong Hiệp-Định Paris 1973, trong khi kẻ thù phương Bắc đã chuẩn-bị sẵn từ trước, đưa ra những đặc-sản của họ như “rượu Lúa Mới”, “chè Hồng Đào”, “kẹo mềm Thăng Long”, kèm với chiếc băng đeo tay màu đỏ mang con số “4”, để làm quà lưu-niệm cho các phái-đoàn Hoa-Kỳ và Việt-Nam Cộng-Hòa trong bữa tiệc chia tay, thì phái-đoàn Quốc-Gia của ta tại một số nơi [như Tỉnh Khánh Hòa] phải cuống-quýt chật-vật chạy đi kiếm quà đáp lễ mà đưa ra, chỉ vì thiếu tiên-liệu và... không biết lấy tiền đâu ra.

*

Trong hồ-sơ cá-nhân của Thiếu-Tá Phan Rang, anh đã ghi tóm-tắt là cha đã chết.

Phan Rang nói: bây giờ anh không biết gì hơn là thuở nhỏ đã nghe các người lớn tuổi trong gia-đình kể lại rằng thân-phụ mình đi theo kháng-chiến chống Pháp đã bị giặc Tây bắn chết đâu trong vùng Truồi‒Cầu-Hai, phía Nam Tỉnh Thừa-Thiên, vào năm 1947. Thời-gian ấy kẻ thù đem quân-đội viễn-chinh đến tấn-công vào các Tỉnh/Thành quan-trọng khắp nước hầu tái-chiếm cựu thuộc-địa này.

Phan Rang bác-bỏ tin-tức nói rằng cha anh hiện vẫn còn sống và có tìm về liên-lạc với mình.

 

Tôi nhấn mạnh:

‒ Tôi cần bằng-chứng về việc ông cụ đã mất.

Phan Rang thở dài:

‒ Cha tôi chết bụi chết bờ, không biết xác chôn ở đâu; làm gì có giấy chứng-tử. Chỉ có vài người đồng-đội sống sót, mãi lâu về sau mới nhắn tin về.

‒ Nhưng làm sao để Cấp Trên tin đây?

‒ Tôi thề với anh đó là sự thật. Xin anh liệu cách thế nào mà đỡ vớt cho tôi.

 

Tôi kết-luận:

‒ Tôi cho anh một tháng. Anh tìm các cựu viên-chức Quận, Xã, các ông-già, bà-lão đã từng làm việc hoặc cư-ngụ tại vùng ông-cụ bị nạn, hoặc bất-cứ người nào có thấy, có nghe việc đó, nhờ họ làm tờ khai chứng, với chữ ký có thị-thực của chính-quyền, gửi vào cho tôi. Ít nhất là hai chứng-nhân. Nếu đáo-hạn một tháng mà vẫn không có kết-quả thì anh cũng phải báo lại cho tôi hay.

Đồng-thời, tôi chỉ-thị cho Sở Đặc-Cảnh sở-tại thúc-đẩy mật-viên đã từng ghi-nhận tin-tức như trên chú-trọng thu-thập thêm chi-tiết liên-quan.

 

Sau đó, tôi chưa nhận được báo-cáo nào khác hơn của thuộc-viên, và Phan Rang cũng chưa gửi nạp cho tôi một tờ khai-chứng nào cả, thì Tỉnh Quảng-Trị đã lọt vào tay Cộng-Sản Bắc-Việt Xâm-Lăng.

*

GHI THÊM:

 

Vào đầu tháng 1 năm 1992, tôi gặp Phan Rang tại Sở Xuất Nhập Cảnh ở Sài-Gòn, để lo thủ-tục ra đi theo Diện HO.

Nhân tiện, tôi nhắc lại vụ thân-sinh của anh. Phan Rang đã trả lời tôi:

Ổng chỉ là một “lính kèn” [quân nhạc] chứ có phải là cán bộ cao cấp gì đâu!

 

LÊ XUÂN NHUẬN

Trích từ “Biến-Loạn Miền Trung