DUYÊN KỲ-NGỘ
	để nhớ người bạn Ma-Rốc
	trong đoàn quân viễn-chinh Pháp
	Ðã trót tương-phùng trong một quán,
	Dẫu trà ôi, chuyện nhạt, cũng là duyên!
		     (Phan Khắc Khoan)
Anh với tôi, không quen nhau từ trước,
Gặp tình-cờ trong quán nước này đây.
Hai ý nghĩ, hai tâm-hồn hòa-hợp,
Cảm-thông nhau là những phút giây nầy.

Bắt tay anh qua đôi lời giới-thiệu,
Tôi nghe như xao-xuyến cả hồn thơ:
Lần giáp mặt lại là lần chia nẻo,
Vì ngày mai tàu sẽ khuất xa bờ.

Anh đã khóc, những giòng châu nóng hổi,
Và nghẹn-ngào anh ấp-úng đôi câu.
Tôi lắng nhận, run run qua giọng nói,
Và chân-thành từng tiếng nấc theo nhau.

Tôi hỏi anh: "Những gì còn để lại?"
Anh ngập-ngừng rồi khẽ chớp mi nhanh:
"Những làng xóm, những lũy thành đồn trại,
Gót tôi qua, vương lại chút lưu-tình!"

-- Vâng, anh đã vô-tình hay cố-ý
Nhúng tay vô Tội Ác, ít hay nhiều;
Và đã hiểu: đâu Cường-Quyền? Công-Lý?
Ðã nhìn lui sau gót: những tiêu-điều...

Tôi không muốn khơi sâu niềm hối-hận
Khi con tim, khối óc thoáng si cuồng...
Chỉ có Tình Thương-Yêu không giới-hạn
Là muôn đời còn sống khắp muôn phương!

Tôi hỏi anh: "Mai, về bên quý-quốc,
Anh làm gì khi mãn hạn tùng-chinh?"
Anh quả-quyết:  "Tôi quay về ruộng đất
Với luống cày, với giống mạ non xanh..."

Rồi anh nấc:  "Bao giờ tôi quên được
Các bạn thân của nước Việt-Nam nầy!"
(Ôi, một kẻ đã hung-tàn bạo-ngược
Mà đồng-bào tôi khiếp-hãi, là đây!)

Cùng chạm cốc, cùng nâng ly tiễn-biệt,
Ðể...  suốt đời còn đọng chút men cay...
"Còn nhớ nhau:  Xin đừng quên nước Việt
Và muôn dân còn chiến-đấu bên này!

"Chúng tôi đây, giữa cuộc đời ngang-trái,
Sẽ hăng vui mà giữ vững môi cười,
Khi nghĩ đến những giòng châu luyến-ái
Trước ngày về bên quý-quốc xa-xôi!" ...

                                    Huế, 1950

                            THANH-THANH